Cục Thuế tỉnh Yên Bái:

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế doanh nghiệp

Đức Thủy

Quản lý thu thuế là nhiệm vụ chính trị của cả ngành Thuế nói chung và Cục Thuế tỉnh Yên Bái nói riêng. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế được đánh giá qua nhiều chỉ tiêu, nhưng hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước hàng năm là yếu tố quyết định. Xác định được điều này, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn.

Cục Thuế tỉnh Yên Bái luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế.
Cục Thuế tỉnh Yên Bái luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế.

Trong tổng thu nội địa tại tỉnh Yên Bái hàng năm số thu từ khối doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thường chiếm tỷ trọng khá cao khoảng 67% trên tổng số thu trừ tiền sử dụng đất (theo số liệu năm 2014).

Tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của DN có ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, điều hành việc thực hiện dự toán thu hàng tháng, hàng quý và hàng năm, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý thuế của Cục Thuế.

Hiện nay, tại tỉnh Yên Bái đang sử dụng 2 ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế là ứng dụng quản lý thuế cấp cục và ứng dụng quản lý thuế cấp chi cục, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Thuế Tỉnh.

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ áp dụng tại tỉnh Yên Bái còn phân tán, cục bộ chưa có báo cáo tổng hợp về tình hình tài chính và không có sự gắn kết giữa số liệu trên báo cáo tài chính với tình hình thu nộp thuế của DN để phục vụ yêu cầu quản lý.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra của ngành Thuế Tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, nhưng chưa được thực hiện bằng ứng dụng phân tích rủi ro của Tổng cục Thuế.

Để có số liệu tổng hợp về tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình phát sinh, thu, nộp thuế của các DN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế của ngành Thuế Yên Bái, phải thực hiện theo phương pháp thủ công (tổng hợp từ các file dữ liệu kết xuất trên các ứng dụng khác nhau). Với cách làm này làm mất rất nhiều thời gian và nhân lực để triển khai công việc.

Trước tình hình trên, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã tiến hành tổng hợp số liệu của DN để phục vụ yêu cầu quản lý theo hướng phân loại, lựa chọn một số lượng DN đại điện cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có số nộp thuế lớn, đạt tiêu chí số nộp chiếm tỷ lệ khoảng 80% tổng số thu hàng năm của các DN trên địa bàn Tỉnh (DN trọng điểm). Đồng thời, Cục Thuế Tỉnh yêu cầu các Phòng, Chi cục Thuế theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình thu nộp thuế theo tháng, quý, năm của DN, người nộp thuế.

Mô hình quản lý thuế đối với các DN trọng điểm sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu để tiến hành phân tích, đánh giá được tình hình sản xuất kinh doanh, việc chấp hành chính sách thuế của DN một cách kịp thời thường xuyên, liên tục nhất là đối với DN kinh doanh đa ngành nghề hoặc kinh doanh trên nhiều địa bàn.

Việc phân tích, đánh giá hiệu quả DN trọng điểm dựa trên cơ sở kết quả của một bộ tiêu chí các chỉ tiêu, dữ liệu để phân tích đánh giá dựa trên thông tin do ngành Thuế thu thập được ngoài các hồ sơ thuế do DN gửi cơ quan thuế. Từ đó, tính toán phân tích theo chỉ tiêu tài chính, theo chỉ tiêu về tình hình chấp hành pháp luật thuế.

Quan trọng là, từ kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực tế sẽ dự báo được những khó khăn, thuận lợi trong sản xuất kinh doanh của DN, trong việc áp dụng chính sách pháp luật thuế. Qua đó, phát hiện những DN có dấu hiệu rủi ro cao về tình hình tài chính về chấp hành nghĩa vụ thuế.

Kết quả đó sẽ giúp lãnh đạo Cục thuế, Chi cục thuế đề xuất, tham mưu với chính quyền địa phương có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cơ quan thuế hỗ trợ tốt hơn cho DN về chính sách thuế hoặc phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, kiểm tra, thanh tra kịp thời.

Trên cơ sở các biện pháp quản lý thuế đối với DN trọng điểm sẽ giúp lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế đề ra những giải pháp đồng bộ trong triển khai công tác quản lý thuế đối với DN trên địa bàn Tỉnh. Từ đó giúp Cục thuế tỉnh Yên Bái hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao cho./.