Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí gia nhập Công ước Istanbul

PV. (Tổng hợp)

Cho ý kiến về việc gia nhập Công ước Istanbul 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa, tại phiên làm việc ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí gia nhập công ước này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp ngày 20/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguồn: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp ngày 20/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguồn: quochoi.vn
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Công ước Istanbul được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực từ ngày ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Mục tiêu của Công ước là tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và hài hòa hoá các thủ tục tạm quản, giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hàng hóa tạm nhập, tái xuất và tạm xuất, tái nhập.
Theo đó, Công ước đã đưa ra mô hình chuẩn các chứng từ tạm quản như các chứng từ hải quan quốc tế kèm bảo lãnh sẽ góp phần thuận lợi hóa thủ tục tạm quản, đồng thời giúp các cơ quan quản lý hàng tạm quản chặt chẽ.
Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện Công ước sẽ có các lợi ích như giảm bớt giấy tờ, thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả cán bộ hải quan và người sử dụng Sổ; chống thất thu thuế; cơ chế tạm quản tạo thuận lợi cho các thương nhân khi sử dụng một quyển sổ nhưng có thể đi lại nhiều nước thành viên trong hệ thống trong cùng một chuyến đi...
Tính đến tháng 01/2017, có 68 quốc gia thành viên của Công ước Istanbul, trong khi số lượng các quốc gia/vùng lãnh thổ  thực hiện cơ chế tạm quản là 70.
Đặc biệt, cơ chế bảo lãnh quốc tế cho hàng tạm quản của Công ước sẽ góp phần làm giảm rủi ro cho cơ quan hải quan, tạo thuận lợi thương mại mà vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của cơ quan hải quan.
Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa.
Tại phiên họp, sau khi xem xét, cho ý kiến, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với sự cần thiết gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa và thống nhất giao Chính phủ tiến hành các thủ tục để gia nhập Công ước này.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Chính phủ dự kiến tham gia Công ước sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời điểm gửi thông báo việc Việt Nam gia nhập Công ước là 12 tháng sau khi có quyết định gia nhập của Chính phủ và thời điểm Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam là 3 tháng sau khi Việt Nam gửi thông báo về việc gia nhập Công ước.
Chính phủ cũng đề xuất chỉ áp dụng Công ước đối với 11 cửa khẩu quốc tế, đồng thời dự kiến ban hành Nghị định quy định cụ thể về khoản đảm bảo và thời hạn tái xuất chỉ áp dụng đối với hàng hóa sử dụng sổ tạm quản nhằm hướng dẫn thực hiện Công ước Istanbul. Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập không áp dụng sổ tạm quản thì thực hiện theo thủ tục hải quan và tái xuất theo quy định hiện hành.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, sau khi hoàn tất việc gia nhập Công ước, Chính phủ thực hiện nội luật hóa các quy định liên quan và báo cáo lại Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, những nội dung liên quan đến sửa đổi văn bản luật pháp của nước ta thì sẽ thực hiện theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.