Vai trò của hải quan trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Theo customs.gov.vn

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP vào ngày đầu năm 2018 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN của năm nay, trong đó, nhiều nhiệm vụ gắn với vai trò của cơ quan hải quan.

Tổng cục Hải quan là cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Nguồn: internet
Tổng cục Hải quan là cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Nguồn: internet

Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính phủ phục vụ người dân

Theo đó, thúc đẩy XK, đẩy mạnh mở rộng thị trường gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong hoạt động XNK, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Bảo đảm cân đối XNK, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kinh ngạch XK từ 8%-10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch XK.

Trong các lĩnh vực cần tập trung cải cách TTHC, có lĩnh vực hải quan, thuế, đất đai, nông nghiệp, khởi nghiệp, du lịch, bảo hiểm xã hội… Chính phủ đặt mục tiêu giảm thời gian thực hiện TTHC và chi phí hoạt động của người dân, DN. Cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Liên quan hoạt động KTCN, Chính phủ yêu cầu phải tập trung cải cách toàn diện hoạt động quản lý chuyên ngành, cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm và đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục KTCN.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị thường xuyên tổ chức đối thoại với DN, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của DN. Phấn đấu năm 2018 cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN + 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Năm 2018, Chính phủ cũng quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân và DN, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm vi phạm, nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… cũng là những nội dung được Chính phủ tập trung triển khai trong năm nay.

Về hợp tác quốc tế, Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do - FTA đã có hiệu lực. Tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, vì lợi ích của đất nước và người dân.

Vai trò của cơ quan hải quan

Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như thu ngân sách nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại, cơ quan hải quan còn được giao những trọng trách khác. Cụ thể, Tổng cục Hải quan là cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899); Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), đồng thời là đầu mối triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN)…

Với những vai trò này, cơ quan hải quan đã nỗ lực điều phối, đôn đốc các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động đóng góp trực tiếp vào cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách hiện đại hóa, xây dựng chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa qua biên giới.

Trong lĩnh vực cải cách hiện đại hóa, Việt Nam đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW); kết nối 11 bộ, ngành, thực hiện 47 thủ tục hành chính (ngoài thủ tục thông quan hàng hóa của Bộ Tài chính) và xử lý hơn 790 nghìn bộ hồ sơ của gần 20 nghìn DN. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị kết nối Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) để trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D dưới dạng điện tử với 4 quốc gia ASEAN trong đầu năm 2018.

Về hoạt động quản lý chuyên ngành, KTCN, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thúc đẩy bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng đơn giản hóa thủ tục, chuyển sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro…

Tính đến đầu năm 2018, nhiều bộ, ngành đã có những chuyển biến tích cực như Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Điển hình là đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC trong lĩnh vực nông nghiệp; Bộ Khoa học và công nghệ chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan; cắt giảm khoảng 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Riêng ngành Hải quan trong những năm qua và đặc biệt là năm 2017 đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu theo phương thức quản lý mới; hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tự động tại cảng biển, cảng hàng không; nâng cấp các hệ thống CNTT khác; triển khai đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Bên cạnh đó, triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), cug cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 với 126/178 TTHC, phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.

Những hoạt động này đã tạo chuyển biến về chất trong quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tăng tính minh bạch, giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN cũng là năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm của các bộ, ngành và nỗ lực không ngừng của cơ quan hải quan, năm 2017 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục là 400 tỷ USD.

Theo kết quả công bố về xếp hạng Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 68 trên 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với báo cáo năm 2017. Đây là mức tăng nhiều nhất về số bậc trong một thập niên trở lại đây. Đặc biệt, các chỉ số thành phần về thời gian và chi phí xuất nhập khẩu đều có sự chuyển biến tích cực, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam đã rút ngắn đáng kể, đứng trong top 4 khu vực Đông Nam Á.

Đó là những con số rất đáng khích lệ, tuy nhiên với những chỉ tiêu cao mà Chính phủ đề ra trong năm 2018, thách thức với ngành Hải quan là không nhỏ, đặc biệt trong hoạt động thu ngân sách, tạo thuận lợi thương mại…

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Hải quan bên cạnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN sẽ quyết liệt cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch. Ứng dụng CNTT sẽ được đẩy mạnh trên các lĩnh vực giám sát, quản lý hàng hóa; thu thuế XNK; áp dụng các chuẩn mực quốc tế và quy trình hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN mà vẫn đảm bảo quản lý nhà nước theo đúng quy định pháp luật.

Cơ quan hải quan cũng tiếp tục triển khai các giải pháp để kiện toàn lực lượng, xây dựng cán bộ hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ.