Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 11:

Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển và thịnh vượng của các nhà đầu tư

PV.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 11 (AFMIS 11) vừa diễn ra tại Jakarta (Indonesia) hôm 15/11 và kết thúc tốt đẹp buổi chiều cùng ngày.

Với các hoạt động giới thiệu tích cực và dày đặc tại Hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư quốc tế, mang đến cho các nhà đầu tư nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần củng cố thêm niềm tin vào định hướng phát triển tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã dành phóng viên một cuộc phỏng vấn nhân sự kiện này.

Phóng viên: Với những nội dung quan trọng và cấp thiết, Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 11 đã thu hút được sự quan tâm chú ý của báo chí khu vực và đông đảo các nhà đầu tư quốc tế. Xin Thứ trưởng đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện này?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Tài chính 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMIS) đã được tổ chức thường niên từ nhiều năm nay và thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong khu vực và thế giới. Đây là một hoạt động thường niên của kênh hợp tác tài chính ASEAN, là sự kiện có uy tín hàng năm, nhằm mục tiêu quảng bá ASEAN như một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế. Với tính chất như vậy, AFMIS đã và đang góp phần tích cực vào việc thu hút các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới đầu tư vào ASEAN. Thông qua AFMIS, các nước thành viên ASEAN muốn phát đi thông điệp về một khu vực ASEAN kết nối, gắn kết và thúc đẩy việc xây dựng ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài khối. 

Có thể nói, AFMIS được xem là một cơ hội ý nghĩa để các nhà đầu tư gián tiếp và trực tiếp toàn cầu bày tỏ mối quan tâm và đưa ra những câu hỏi trực tiếp cho các nhà hoạch định chính sách của các nước thành viên ASEAN. Với nhiều nội dung quan trọng và cấp thiết, thông qua AFMIS, các nhà đầu tư toàn cầu và hiệp hội doanh nghiệp sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất về phát triển chính sách tài chính và đầu tư của từng quốc gia thành viên. Ở chiều ngược lại, các Bộ trưởng Tài chính cũng thông qua Hội nghị để quảng bá, tăng cường sự hiểu biết quốc tế về sự phát triển và bền vững các nền kinh tế ASEAN, kêu gọi cộng đồng tài chính và kinh doanh quốc tế tham gia trực tiếp vào những cơ hội phát triển sôi động của các nền kinh tế ASEAN.  

Tháng 4/2016 tại Viêng Chăn (Lào), các Bộ trưởng Tài chính ASEAN cũng đã thông qua định hướng hội nhập tài chính ASEAN cho giai đoạn 2016-2025. Theo đó, các nước ASEAN sẽ cùng nỗ lực để tăng cường vai trò của các ngân hàng trong khu vực, mức độ hội nhập của thị trường bảo hiểm, độ sâu và tính thanh khoản của thị trường vốn. Mặc dù có sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các thị trường tài chính trong khu vực nhưng chắc chắn các nỗ lực này sẽ góp phần ngày càng hoàn thiện nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính khu vực ASEAN, nhờ đó sẽ tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực khi cân nhắc đầu tư ASEAN.

Phóng viên: Hội nghị AFMIS 11 năm nay diễn ra với chủ đề "ASEAN: Khu vực tăng trưởng năng động, bền bỉ và bao trùm" đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa chính thức thành lập được gần 1 năm. Việt Nam đã có những chia sẻ hay đề xuất gì tại Hội nghị lần này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Tại Hội nghị lần này, bên cạnh việc chia sẻ một số quan điểm về những khó khăn, thách thức đối với các nước trong khu vực nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt, đoàn Việt Nam nhấn mạnh tới một số giải pháp chính sách mà các nước trong khu vực và Việt Nam có thể thực hiện để đối phó với khó khăn và tận dụng thành công các cơ hội phát triển.

Theo đó, để vượt qua những khó khăn và nắm giữ những cơ hội để đưa kinh tế các nước thành viên ASEAN, đưa kinh tế ASEAN vững vàng vượt lên, các nước khác nhau sẽ có những giải pháp chính sách khác nhau, tùy vào tình hình thực tế của mỗi nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các giải pháp chính sách nên tập trung vào hai hướng:

Thứ nhất, cần tiếp tục mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ giúp các nước thành viên ASEAN có thể tận dụng được sự đa dạng về lợi thế cạnh tranh mà còn giúp các nước cùng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thành lập AEC vào tháng 12/2015 đánh dấu một bước đi quan trọng khẳng định nỗ lực của các nước ASEAN trong việc theo đuổi mục tiêu tăng cường hội nhập kinh tế khu vực dựa trên việc tăng cường dòng luân chuyển thương mại (cả hàng hóa và dịch vụ), luân chuyển đầu tư và luân chuyển lao động có tay nghề. Quá trình này sẽ giúp các nước ASEAN tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực.

Thứ hai, có thể nói một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi chậm liên quan tới các cân đối lớn trong các nền kinh tế chưa thay đổi kịp với các điều kiện kinh tế mới. Do đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi tăng trưởng, giúp cho việc sử dụng và phân bổ các nguồn lực kinh tế hiệu quả, hợp lý hơn. Đồng thời, cũng giúp các nền kinh tế tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư để phục vụ phát triển trong dài hạn.

Phóng viên: Bên cạnh việc cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài các thông tin về kinh tế vĩ mô, chính sách thu hút đầu tư…, thông điệp của đoàn Việt Nam tại AFMIS 11 là gì thưa Thứ trưởng? 

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Thông điệp quan trọng nhất mà đoàn Việt Nam đưa đến AFMIS 11 đó chính là quyết tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi và niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định nhiều lần về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo để mang đến cơ hội và thành công cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phải nói thêm rằng, triển vọng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính của Việt Nam đã được các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng và đặt kỳ vọng cao. Trong năm 2016 và các năm tới, các nhà đầu tư đều đánh giá Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng được duy trì, các cân đối kinh tế vĩ mô vững vàng, các chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển thị trường tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ tạo nền tảng và dư địa phát triển giúp Việt Nam hấp thụ các khoản đầu tư và sẵn sàng tiếp nhận các làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh lại rằng Chính phủ Việt Nam luôn giữ quan điểm là người đồng hành cùng các nhà đầu tư, hỗ trợ trong các giai đoạn khó khăn và tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại Việt Nam gặt hái nhiều thành công. Việt Nam sẽ là một điểm đến tin cậy, an toàn và là cơ hội tốt về đầu tư và kinh doanh cho cộng đồng quốc tế.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!