Vụ Pháp chế: Góp phần tích cực vào công cuộc cải cách hành chính của Bộ Tài chính

Thái Hằng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ghi nhận như vậy tại Hội nghị Sơ kết nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) diễn ra vào ngày 10/7/2017.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì và chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Vụ Pháp chế, ngày 10/7/2017.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì và chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Vụ Pháp chế, ngày 10/7/2017.

Tham gia ý kiến, thẩm định, rà soát gần 300 thủ tục hành chính

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017, ông Đặng Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết: Nhờ tập trung đổi mới cách thức, phương thức triển khai nhiệm vụ mà trong 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Nỗ lực này đã góp phần tích cực và quan trọng vào việc hoàn thành công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính. Cụ thể:

Thực vậy, về công tác CCHC, đơn vị đã trình Bộ ban hành Kế hoạch CCHC năm 2017 (theo Quyết định 2693/QĐ-BTC ngày 19/12/2016). Kế hoạch đã định hướng 6 nội dung của công tác CCHC, đồng thời đảm bảo cụ thể hóa các mục tiêu, thời gian và tiến độ triển khai nhiệm vụ; có sự phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị (thuộc Bộ) để tổ chức thực hiện…

Cùng với đó, đơn vị còn tập trung thực hiện đánh giá tác động, tính toán chi phí và tham gia ý kiến, thẩm định đối với 25 thủ tục hành chính (TTHC) tại 03 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); tổ chức rà soát khoảng 270 TTHC trong các lĩnh vực của Bộ (hải quan, thuế, công sản, kho bạc..) để đề xuất đơn giản hoá, bãi bỏ một số TTHC không cần thiết…

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Công tác thẩm định văn bản; Công tác chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Công tác xây dựng và theo dõi, đôn đốc thực hiện các chương trình xây dựng văn bản QPPL tài chính; Công tác kiểm tra văn bản, kiểm tra thực hiện và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL… cũng đã được đơn vị đẩy mạnh triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ những kết quả trên, tại Hội nghị tổng kết công tác CCHC 6 tháng năm 2017 của Chính phủ, Bộ Tài chính là một trong các đơn vị điển hình có báo cáo tổng kết, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong việc triển khai công tác CCHC và theo công bố xếp hạng Chỉ số CCHC của Chính phủ thì năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục được xếp hạng đứng thứ 2 về CCHC.

Biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Vụ Pháp chế trong 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Vũ Thị Mai ghi nhận: Mặc dù khối lượng công việc được giao trong thời gian qua là rất lớn nhưng Vụ Pháp chế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực và quan trọng trong công tác CCHC của Bộ Tài chính. Ngoài ra, các công tác về kiểm tra văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL, công tác giám định tư pháp... cũng đã đánh giá là triển khai rất tốt.

“CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính, với vai trò là đầu mối theo dõi, đôn đốc triển khai nhiệm vụ, Vụ Pháp chế cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình để triển khai hiệu quả trọng trách được giao”, nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng:

Theo chương trình pháp luật 6 tháng cuối năm 2017, đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ để ban hành các văn bản luật có hiệu quả, phải tổng kết đánh giá kỹ lưỡng các nội dung của văn bản để đưa các kiến nghị hợp lý; Phối hợp với các đơn vị chủ trì ban hành các văn bản, chính sách, phản biện được nội dung của văn bản QPPL ngày càng tốt hơn và sâu hơn; Chủ động đôn đốc các đơn vị hoàn thành các văn bản QPPL theo đúng kế hoạch, thời gian, tiến độ công việc được giao; Phổ biến, hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị thuộc Bộ nắm rõ các quy định về pháp luật.

Sát sao 11 nhóm nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2017

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Hữu Lợi cho biết: Đơn vị đạt được những kết quả trên chính là nhờ vào sự đoàn kết, nhất trí và sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức trong đơn vị; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ; được các đơn vị trong và ngoài Bộ phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và trách nhiệm.

Nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của đơn vị còn rất lớn, do vậy, thời gian tới, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tập trung triển khai hiệu quả 11 nhóm nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng hoàn thiện 3 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Luật Thuế tài sản và Luật Chứng khoán (sửa đổi), bảo đảm đủ điều kiện bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và đăng ký chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019;

Đồng thời, tiếp tục rà soát để lập đề nghị xây dựng các nghị định trình Chính phủ thông qua trước khi đăng ký đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018; Phối hợp với các đơn vị trong soạn thảo, chỉnh lý hoàn thiện 02 dự án luật (Luật Quản lý nợ công sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường); Phối hợp với các đơn vị chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành khoảng 38 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đề án khác; trình Lãnh đạo Bộ ban hành khoảng 150 Thông tư.

Thứ hai, chủ trì soạn thảo, trình Bộ 23 văn bản, đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao (Chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo). Đồng thời, phối hợp với Vụ Tổng hợp – Văn phòng Chính phủ; Vụ Pháp luật chung, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp để rà soát, đôn đốc thực hiện các chương trình pháp luật, tăng cường cơ chế phối hợp trong thẩm định, thẩm tra văn bản QPPL.

Thứ ba, tổ chức triển khai hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin, cụ thể:

(i) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ công chức ngành Tài chính;

(ii) Nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng chi phí cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin.

(iii) Nghiên cứu, xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính; lập danh mục thông tin phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính; xây dựng vận hành Cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ tra cứu.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là:

(i) Tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020 ban hành kèm theo Quyết định 328/QĐ-BTC ngày 20/2/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(ii) Đẩy mạnh việc kiểm tra thực hiện công tác kiểm soát TTHC, trong đó trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC, để đảm bảo không quy định TTHC tại các Thông tư của Bộ Tài chính theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản năm 2015, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong việc xây dựng các Nghị định có quy định TTHC, đảm bảo công tác đánh giá tác động TTHC theo quy định, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan.

(iii) Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính sau khi Chính phủ phê duyệt Nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Thứ năm, hoàn thiện việc pháp điển  09 đề mục (đề mục phí và lệ phí; đề mục ngân sách nhà nước; đề mục dự trữ quốc gia; đề mục thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;...) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đưa vào Bộ pháp điển Quốc gia.

Thứ sáu, tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

Thứ bảy, tổ chức, hướng dẫn thực hiện Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (9/11) và Ngày pháp luật tài chính (28/8) năm 2017. Tổ chức tọa đàm, trao đổi về kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là Báo cáo viên pháp luật tài chính; công chức được giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và công chức làm nhiệm vụ pháp chế.

Thứ tám, tổ chức  Hội nghị tập huấn kiến thức pháp lý về giám định tư pháp cho cán bộ hải quan và các đơn vị khác như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Thứ chín, đẩy mạnh thực hiện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế làm cơ sở kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính cho phù hợp với các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia, ký kết. Đồng thời hoàn thiện trình Bộ dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về công tác pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tài chính.

Thứ mười, tổng kết, đánh giá việc thi hành Quyết định 130/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính đối với dự án phát triển sạch (thực hiện cam kết theo Nghị định thư Kyoto).

Cuối cùng, tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế mới theo Chỉ thị 01/CT-BTC ngày 6/1/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ.

Tại Hội nghị, được sự ủy quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh – Bộ Công an, Đại tá Đỗ Triệu Phong, Phó Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư trao tặng Bằng khen của Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công An cho Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) và cá nhân ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, do đã có thành tích xuất sắc trong công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.