Công tác thu ngân sách nhà nước tại Thừa Thiên Huế năm 2015:

Vượt thách thức, hái thành công

PV.

Năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước của Cục Thuế Thừa Thiên Huế được Bộ Tài chính giao là 3.965 tỷ đồng, HĐND Tỉnh giao là 4.118,445 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề song với sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, HĐND, UBND Tỉnh, sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế, Cục Thuế Thừa Thiên Huế tin tưởng sẽ “về đích đúng hẹn”.

8 tháng đầu năm 2015, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đã thu được 2.770 tỷ đồng, đạt 69,87 % dự toán Pháp lệnh do Bộ Tài chính giao. Nguồn: tapchisonghuong.com.vn
8 tháng đầu năm 2015, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đã thu được 2.770 tỷ đồng, đạt 69,87 % dự toán Pháp lệnh do Bộ Tài chính giao. Nguồn: tapchisonghuong.com.vn

Đồng bộ giải pháp ngay từ đầu năm

Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2015, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đã thu được 2.770 tỷ đồng, đạt 69,87 % dự toán Pháp lệnh do Bộ Tài chính giao, đạt 67,26 % nhiệm vụ HĐND Tỉnh giao và tăng 10,89% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số khoản thu chiếm tỷ trọng đạt cao so với cùng kỳ như: thu từ lĩnh vực doanh nghiệp trung ương, lĩnh vực đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, Thuế thu nhập cá nhân...

Ông Phan Đình Công, Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho biết, để đạt được kết quả như vậy, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã quán triệt một cách mạnh mẽ, giao chỉ tiêu pháp lệnh và phấn đấu cho các đơn vị, đề ra các giải pháp, biện pháp quản lý thu theo sát với từng khoản thu, sắc thuế từng đơn vị, từng địa bàn.

Bên cạnh đó, Cục cũng đã chỉ đạo các Chi cục thuế triển khai ngay các biện pháp chống thất thu như rà soát đưa vào quản lý thu đối với hộ kinh doanh phát sinh trên địa bàn, tăng cường kiểm tra điều chỉnh doanh thu tính thuế đối với ngành nghề kinh doanh thời vụ, hộ có doanh thu tăng đột biến. Đánh giá phân tích thực tế tình hình thực hiện nhiệm vụ thu của đơn vị, từng khu vực kinh tế và từng khoản loại thu để xác định số thuế đã thu và số nợ đọng còn phải thu, từ đó đề ra các biện pháp thật cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ phấn đấu mà Cục Thuế đã giao.

Ngoài ra, Cục Thuế Thừa Thiên Huế cũng đã tập trung một cách quyết liệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo số lượng đồng thời đã nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra. Trên cơ sở áp dụng kết quả phân tích, đánh giá rủi ro để tổ chức công tác thanh tra thuế tại doanh nghiệp theo mô hình quản lý rủi ro để tiến hành thanh tra trọng tâm, trọng điểm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thuế. Tập trung, rà soát, phân loại nợ thuế khó thu lập hồ sơ đề nghị xử lý một số đối tượng bằng các hình thức: Chuyển hồ sơ qua Công an tỉnh phối hợp thu nợ thuế; Thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo luật...

Sẽ “vượt khó” thành công

Có thể nói, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp bởi nguồn thu bền vững từ các doanh nghiệp không nhiều. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động vẫn trong tình trạng cầm chừng do ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong nước và thế giới. Trong khi đó, thị trường bị thu hẹp, số doanh nghiệp ngừng nghỉ kinh doanh nhiều và việc thực hiện các Luật thuế sửa đổi, bổ sung có nhiều quy định mới làm giảm nghĩa vụ động viên, tác động trực tiếp đến số thu nộp ngân sách.

Tuy nhiên, Cục trưởng Phan Đình Công khẳng định với tinh thần vào cuộc chủ động, tích cực của toàn ngành Thuế Thừa Thiên Huế như từ đầu năm sẽ mang lại hiệu quả cho công tác huy động ngân sách. Và tinh thần này sẽ được tiếp tục trong những tháng cuối năm nhằm vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tế để đạt hiệu quả, phấn đấu “về đích đúng hẹn” như dự toán được giao. Theo đó, Cục Thuế Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đến các giải pháp như:

Một là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp có hoàn thuế nhiều, giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng... đồng thời thu hồi kịp thời số tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách.

Hai là, rà soát đánh giá tính chất, mức độ nguyên nhân nợ thuế từng lĩnh vực, ngành nghề để có các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh, phấn đấu đến cuối năm số nợ thuế ở dưới mức 5 % tổng thu ngân sách.

Ba là, chỉ đạo tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai từ các đơn vị xây dựng cơ bản ngoại tỉnh; phối hợp tốt với các Sở, ban, ngành liên quan để quản lý thu các khoản thu về đất, phí, lệ phí và thu khác ngân sách, rà soát lại các nguồn thu trên địa bàn, nhất là các nguồn thu tại xã, phường để đưa vào quản lý thu theo đúng Luật ngân sách.

Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác chống thất thu ngân sách trong các ngành nghề còn thất thu như kinh doanh dịch vụ du lịch, vận tải, ăn uống, thương mại… để đưa số thu lĩnh vực này tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương, đồng thời tạo được môi trường đầu tư và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề.

Năm là, nâng cao chất lượng hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế, động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Sáu là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương để đẩy mạnh công tác thu tiền sử dụng đất, phấn đấu đạt dự toán do HĐND Tỉnh giao. Tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường để đẩy nhanh tiến độ thu Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tham mưu UBND Tỉnh tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, phát huy khả năng kinh doanh, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và tăng thu ngân sách.