WTO sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính

Theo mof.gov.vn

Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Roberto Azevêdo tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vào sáng ngày 15/4. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Tổng giám đốc Roberto Azevêdo
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Tổng giám đốc Roberto Azevêdo

Bộ trưởngĐinh Tiến Dũng chào mừng Tổng giám đốc Roberto Azevêdo cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính. Bộ trưởng cho biết: Kể từ khi gia nhập WTO năm 2006, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp trên 3 lần, đạt xấp xỉ 204 tỷ USD trong năm 2015, thu nhập bình quân đầu người từ 730 USD lên 2109 USD, đưa Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Trong giai đoạn 2008-2011, mặc dù nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu song tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007-2015 của Việt Nam vẫn đạt 6,02%. Tăng trưởng thương mại là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2015 đạt 327,76 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 và tăng 390% nếu so với thời điểm năm 2006 (84 tỷ USD). Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết giảm mức thuế bình quân từ mức 17,4% (năm 2007) xuống còn 13,4%. Tính đến thời điểm 01/01/2015, mức thuế bình quân biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam là 10,54% (thấp hơn so với mức cam kết cắt giảm khoảng 3%) nhằm phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, Bộ Tài chính Việt Nam đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa và đơn giản thủ tục ngành Hải quan một cách toàn diện. Bộ trưởng cho biết, đến nay, thủ tục hành chính về Hải quan hiện còn 225 thủ tục. Việt Nam đã triển khai thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, áp dụng cơ chế một cửa ASEAN. Trong lĩnh vực thuế, việc ban hành một số Luật, Nghị định, Thông tư sửa đổi một số luật thuế trước đây đã góp phần tích cực giảm số giờ nộp thuế trung bình của doanh nghiệp từ mức 537 giờ xuống còn 117 giờ/năm. Vốn hóa thị trường chứng khoán hiện tại tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm gia nhập WTO, chiếm xấp xỉ 35%GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng tăng mạnh trong những năm qua. Các lĩnh vực khác như DNNN, Bảo Hiểm, Kế toán – Kiểm toán, Việt Nam đều thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết trong WTO, dần dần từng bước minh bạch hóa và tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Đếnnay, Việt Nam đã chính thức tham gia 09 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng vừa ký kết thêm 02 Hiệp định FTA mới là Hiệp định TPP và Liên minh Kinh tế Á-Âu, đồng thời đã chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Việt Nam – EU.

Theo Bộ trưởng, việc tham gia các FTA vừa là cơ hội lớn đối với Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm song cũng mang lại nhiều thách thức đối với nền kinh tế khi phải cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm nhập khẩu, lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như ảnh hướng tiêu cực tới môi trường. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ vai trò của hệ thống thương mại đa phương, thể hiện qua việc mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán mở cửa thị trường Vòng Đô ha (DDA) và triển khai Hiệp định thuận lợi hóa thương mại WTO (TFA). Việt Nam cũng đã lên kế hoạch ưu tiên thực hiện thành lập Ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia (NTFC) hoặc cơ chế tương đương để chủ động triển khai Hiệp định.

Đối với Hiệp định thương mại và thuế quan trong WTO, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới và sắp tới là triển khai Hiệp định TFA, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Hải Quan chủ trì thực hiện, do vậy Bộ trưởng mong muốn nhận được nhiều hơn nữa hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực từ WTO, cũng như triển khai hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt qua các kênh như: thực tập tại Ban thư ký WTO, đào tạo cán bộ triển khai thực thi cam kết trong Hiệp định thuận lợi hóa thương mại nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm gia nhập WTO của Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn có sự tham gia của chuyên gia WTO để chia sẻ kinh nghiệm.

Tạibuổi làm việc, Tổng giám đốc Roberto Azevêdo ghi nhận các nỗ lực của Bộ Tài chính trong tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thuế, Hải quan,... Tổng giám đốc WTO đánh giá cao những đóng góp tích cực và hiệu quả của đại diện Bộ Tài chính tại Geneva trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa WTO và Việt Nam nói chung và với Bộ Tài chính nói riêng. Tổng giám đốc Roberto Azevêdo rất ấn tượng trước những thành tựu đạt được của Việt Nam kể từ sau khi gia nhập WTO và khẳng định WTO sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thời gian tới. Tổng giám đốc Roberto Azevêdo cho biết, WTO đang làm việc với các quốc gia thành viên nhằm tiếp tục thảo luận những vướng mắc ở vòng đàm phán Đô ha. Trong đó, những vấn đề đang được thảo luận sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam như: vấn đề đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ vào hệ thống thương mại toàn cầu, vấn đề thương mại điện tử, cải thiện môi trường đầu tư,... Tổng giám đốc WTO hy vọng Việt Nam sẽ có tiếng nói ủng hộ ở WTO cũng như mong muốn nhận được những đề xuất của Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển của Tổ chức Thương mại Thế giới trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với Tổng giám đốc Roberto Azevêdo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng những vấn đề đang được thảo luận ở WTO sẽ mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt đối với vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam ủng hộ WTO để khối doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu và đây cũng chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam đang triển khai quyết liệt, cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường cải cách TTHC, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan. Bộ trưởng mong muốn mối quan hệ giữa WTO và Việt Nam ngày càng tốt đẹp và sâu sắc hơn nữa.