Xây dựng thể chế tài chính – ngân sách: Kịp thời, chất lượng

PV.

Công tác xây dựng thể chế trở thành một trong những điểm sáng của ngành Tài chính trong năm 2017 với khối lượng văn bản “đồ sộ”, đáp ứng được yêu cầu cả về tiến độ và chất lượng.

Công tác xây dựng thể chế trở thành một trong những điểm sáng của ngành Tài chính trong năm 2017. Nguồn: internet
Công tác xây dựng thể chế trở thành một trong những điểm sáng của ngành Tài chính trong năm 2017. Nguồn: internet

Năm 2017, Bộ Tài chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng 66 đề án, trong đó có 02 luật; 40 nghị định; 11 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 13 đề án khác. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm 18 đề án ngoài Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm, Bộ Tài chính đã hoàn thiện trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án luật; Trình Quốc hội thông qua 01 nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 01 nghị quyết và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường; Trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi); Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 85 đề án (gồm 63 nghị định, 11 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 đề án khác); Ban hành theo thẩm quyền 131 thông tư tập trung vào các cơ chế, chính sách, các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường quản lý sử dụng tài sản công.

Trong đó, một trong những điểm nhấn quan trọng là Bộ Tài chính đã xây dựng và trình ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật NSNN năm 2015; Tổ chức 34 cuộc tập huấn về các văn bản này cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tạo cơ sở để tổ chức triển khai tốt Luật từ năm ngân sách 2017.

Đặc biệt, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Qua đó, góp phần tạo lập những nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng coi tài sản công là nguồn lực quan trọng, quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát, lãng phí; Xây dựng cơ chế khai thác tài sản công hợp lý, chặt chẽ, công khai, minh bạch, gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cho đầu tư phát triển.

Mặc dù, khối lượng văn bản được giao chủ trì xây dựng là khá lớn, tuy nhiên, công tác xây dựng thể chế năm 2017 của Bộ Tài chính đã đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Theo đó, các chính sách, chế độ về tài chính - NSNN đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế; Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.