Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước: Một số vướng mắc và đề xuất giải pháp

ThS. Hà Quốc Thái

Sau hơn 26 năm hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đi vào hoạt động, KBNN đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công và sẽ xử phạt các tổ chức, các nhân vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực được giao quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Công tác xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KBNN sẽ làm rõ thêm vị trí, vai trò của KBNN các cấp trong nền hành chính quốc gia. Tuy vậy, việc triển khai xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) tại các KBNN ở địa phương cũng đã bộc lộ những vướng mắc cần được tháo gỡ. 

Tại Điểm 14, Điều 2 Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính (Quyết định 26) đã quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của KBNN là “Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của KBNN”.

Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để KBNN các cấp thực hiện xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN. Trong thực tế, tại các KBNN địa phương, việc xử phạt VPHC được thực hiện từ tháng 11/2014 sau khi các đơn vị KBNN địa phương nhận được Công văn số 2924/KBNN-THPC ngày 11/11/2014 của KBNN hướng dẫn thực hiện Thông tư số 54/2014/TTBTC (Công văn 2924).

Về đối tượng xử phạt VPHC của KBNN: Tại Điều 2, Thông tư số 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP (Thông tư 54), thì đối tượng mà KBNN xử phạt VPHC là : “Các đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng NSNN, cơ quan, tổ chức được NSNN hỗ trợ kinh phí (gọi chung là đơn vị dự toán); các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc nguồn vốn NSNN và nguồn vốn TPCP (gọi chung là chủ đầu tư)”.

Ở đây, so với việc xử phạt VPHC ở các lĩnh vực khác, thì đối tượng xử phạt VPHC của KBNN là những khách hàng thường xuyên giao dịch, giữa công chức kiểm soát chi của KBNN (người trực tiếp lập biên bản) và công chức của đơn vị sử dụng ngân sách định kỳ tiếp xúc với nhau thường xuyên, nhiều lần trong tháng.

Tính trung bình, mỗi công chức kiểm soát chi ở KBNN cấp tỉnh, huyện chỉ giao dịch từ 25 đến 35 đơn vị sử dụng ngân sách nên trong thực tế, giữa công chức KBNN và công chức đơn vị giao dịch không tránh khỏi phải thường xuyên phối hợp với nhau trong giải quyết công việc, giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Như vậy, công chức kiểm soát chi của KBNN sẽ chịu rất nhiều áp lực khi lập biên bản xử phạt VPHC và sẽ có những trường hợp, chỉ trừ những sai phạm mà bản thân đơn vị sử dụng ngân sách không thể tự hoàn thiện được mới bị công chức kiểm soát chi KBNN lập biên bản xử phạt VPHC, đây là vấn đề làm giảm hiệu quả thực sự của công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN của KBNN các cấp.

Trách nhiệm “hướng dẫn” của KBNN: Hiện trong một số văn bản của KBNN quy định KBNN ở địa phương có trách nhiệm “hướng dẫn” các đơn vị giao dịch (Quyết định số 1142/QĐ-KBNN ngày 8/11/2013 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn ngân sách xã, phường, thị trấn qua hệ thống KBNN).

Tại Điểm 3.7, Mục 3, Phần II Công văn 2924 quy định: Việc thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 50 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; KBNN.

Cụ thể: Hành vi không gửi hoặc gửi đề nghị cam kết chi đến KBNN chậm quá thời hạn quy định tại Thông tư số 113/2008/ TT-BTC  ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN (quá thời hạn 05 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng).

Do vậy, đề nghị các đơn vị KBNN có thông báo hướng dẫn để chủ đầu tư và các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện  ký kết hợp đồng khi đã có kế hoạch vốn, dự toán chi ngân sách và thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn gửi cam kết chi”.

Khi các đơn vị sử dụng ngân sách vi phạm thời hạn gửi cam kết chi, họ có thể nói, nội dung này chúng tôi chưa được KBNN “thông báo hướng dẫn”, sẽ là một vấn đề khó khăn cho công chức kiểm soát chi của KBNN khi lập biên bản xử phạt VPHC.

Về quy trình xử lý hồ sơ xử phạt VPHC trong nội bộ KBNN: Theo hướng dẫn tại Công văn 2924 tại KBNN cấp tỉnh, sau khi công chức kiểm soát chi lập biên bản VPHC, sẽ tập hợp hồ sơ gửi theo từng lĩnh vực, kiểm soát chi thường xuyên gửi phòng Kế toán Nhà nước, kiểm soát chi đầu tư gửi phòng Kiểm soát chi để tham mưu trình Giám đốc KBNN tỉnh (hoặc người được ủy quyền) quyết định xử phạt VPHC. Sau khi có quyết định xử phạt VPHC sẽ photo toàn bộ hồ sơ gửi phòng Thanh tra - Kiểm tra để theo dõi.

Theo hướng dẫn trên, trong trường hợp công chức phòng Kế toán Nhà nước, hoặc công chức phòng Kiểm soát chi lập biên bản xử phạt VPHC thì chính phòng đó lại là người thẩm định và trình Giám đốc KBNN tỉnh quyết định xử phạt VPHC, vừa không đảm bảo tính khách quan trong giải quyết công việc, vừa không tách bạch người lập biên bản VPHC và người thẩm định hồ sơ để trình xử phạt VPHC.

Hơn nữa, sau khi có quyết định xử phạt VPHC, phòng tham mưu, thẩm định trình xử phạt VPHC lại phải photo toàn bộ hồ sơ gửi phòng Thanh tra - Kiểm tra để theo dõi, tổng hợp.

Từ thực tế nêu trên, bài viết xin đưa ra một số kiến nghị và giải pháp sau:

Đề nghị KBNN sớm ban hành quy trình giao dịch một cửa trong lĩnh vực chi thường xuyên; quy trình kiểm soát vốn đầu tư trong nước, quy trình kiểm soát vốn đầu tư ngân sách xã thay thế các quy trình hiện nay đã không còn phù hợp.

Trong các quy trình đó cần có những điều khoản ràng buộc trách nhiệm, tránh sự nể nang, bỏ qua các lỗi của công chức kiểm soát chi KBNN đối với các đơn vị giao dịch khi giao nhận hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi (tự ý trả lại đơn vị để họ hoàn thiện hồ sơ tránh bị xử phạt VPHC). Từ đó, mới tăng được hiệu quả của công tác xử phạt VPHC của các đơn vị KBNN. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ trách nhiệm hướng dẫn của KBNN đối với các đơn vị giao dịch.

Về quy trình xử lý hồ sơ xử phạt VPHC ở KBNN tỉnh: Đề nghị tập trung đầu mối tại phòng Thanh tra - Kiểm tra, là đơn vị trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, biên bản VPHC của các KBNN cấp huyện và phòng Kế toán Nhà nước, phòng Kiểm soát chi. Phòng Thanh tra - Kiểm tra sẽ thẩm định, lập hồ sơ trình Giám đốc KBNN tỉnh quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN, trực tiếp lưu trữ hồ sơ, tổng hợp báo cáo theo quy định.

Như vậy, toàn bộ hồ sơ xử phạt VPHC sẽ tập trung tại phòng Thanh tra - Kiểm tra, đồng thời tránh việc các Phòng vừa lập biên bản, vừa trình xử phạt và việc phải photo hồ sơ xử phạt VPHC gửi phòng Thanh tra - Kiểm tra, vừa không đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ, vừa tốn kém công sức, thời gian, văn phòng phẩm…

Bên cạnh đó, cũng cần có quy định rõ trách nhiệm của Lãnh đạo KBNN huyện, Lãnh đạo cấp phòng phải báo cáo bằng văn bản (có mẫu) gửi phòng Thanh tra - Kiểm tra khi đơn vị có phát sinh việc công chức kiểm soát chi lập biên bản VPHC.

Đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ mới của KBNN theo Quyết định 26, trong đó có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác đến được tất cả các đơn vị giao dịch với KBNN.