Tiên phong trong đổi mới

Nhận rõ được tầm quan trọng của hải quan đối với đất nước, do vậy, ngay sau ngày thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Sắc lệnh số 27/SL, ngày 10/9/1945 thành lập “Sở Thuế quan và Thuế gián thu” khai sinh ra ngành Thuế quan cách mạng, tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. Ra đời trong bối cảnh vừa giành độc lập, kinh tế đất nước còn vô vàn khó khăn, ngành Hải quan mang trên mình một sứ mệnh lịch sử rất to lớn nhưng cũng đầy vẻ vang. Và trong suốt 68 năm qua, ngành Hải quan luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đất nước giao phó dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Gắn mình với từng bối cảnh, giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Hải quan đã có những bước phát triển xứng tầm. Ngày 20/8/1984, Hội đồng Nhà nước phê chuẩn thành lập Tổng cục Hải quan. Suốt chặng đường gần 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế đất nước, ngành Hải quan luôn là đơn vị điển hình tiên phong trên mọi mặt trận công tác. Ngành đã góp phần đắc lực vào sự phát triển hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), đầu tư du lịch, thúc đẩy phát triển hội nhập kinh tế đất nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới nhiều khó khăn thách thức nhưng Hải quan Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Nếu như năm 2008, ngành Hải quan đã đảm bảo cho hoạt động kim ngạch XNK cả nước đạt tổng giá trị 143,3 tỷ USD thì đến năm 2012 đạt 228,9 tỷ USD, tăng 85,6 tỷ USD, tương đương mức tăng gần 60% trong 5 năm. Riêng trong 7 tháng của năm 2013, Ngành đã đảm bảo cho hoạt động XNK với lượng hàng hóa tổng trị giá đạt 146,92 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 73,32 tỷ USD, tăng 15,2% và nhập khẩu là gần 73,6 tỷ USD, tăng 15,2%...

Với nhiều cố gắng và nỗ lực phấn đấu, ngành Hải quan đã 2 lần được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

Một trong những lực đẩy quan trọng để đạt được kết quả trên là từ nhiều năm qua ngành Hải quan đã không ngừng đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa. Kết quả này được thể hiện rõ nhất là, tính đến nay Ngành đã thực hiện chính thức thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại tất cả 34 cục hải quan địa phương trên cả nước. Số doanh nghiệp (DN) tham gia trong 6 tháng đầu năm 40.190 DN, chiếm 94,6% số DN làm thủ tục XNK cả nước. Tổng số tờ khai 2,488 triệu bộ, đạt 90,6% tổng số tờ khai; tổng kim ngạch XNK đạt 116,3 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch XNK cả nước.

Đồng thời, Ngành cũng điện tử hóa đồng bộ nhiều hoạt động nghiệp vụ liên quan đến TTHQĐT như: Thanh toán thuế, lệ phí qua phương thức điện tử (e-Payment); triển khai e-Manifest; khẩn trương thực hiện các công việc liên quan đến triển khai Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và chuẩn bị tiếp nhận, vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/ VCIS chính thức từ tháng 4/2014. Đến nay, toàn Ngành đã trang bị được 11 máy soi container các loại (cố định, di động) và đến năm 2015 sẽ xây dựng 24 địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung…

Không ngừng cải cách

Nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015, toàn Ngành đã và đang tập trung thực hiện 5 nhóm công việc trọng tâm gồm: Thực hiện TTHQĐT; Triển khai Đề án Quản lý rủi ro (QLRR); Xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung; Triển khai chương trình doanh nghiệp ưu tiên và Xây dựng, vận hành Chỉ số đánh giá hoạt động hải quan.

Đáng chú ý là toàn ngành Hải quan đang tập trung nguồn lực để tiếp nhận và vận hành hệ thống VNACCS/ VCIS một cách hiệu quả vào năm 2014. Ngành đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng như: Tiếp tục hoàn thiện tài liệu hướng dẫn liên quan đến VNACCS/VCIS, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho người sử dụng hệ thống trong Ngành, người sử dụng thuộc các bộ, ngành liên quan và DN; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng xã hội thấy được vai trò, tầm quan trọng của VNACCS/VCIS đối với hoạt động hải quan; Tập trung hoàn thiện các văn bản pháp lý làm cơ sở để thực hiện VNACCS/VCIS.

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2013, toàn Ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện TTHQĐT; tăng hiệu quả hoạt động QLRR; mở rộng kết nối trao đổi thông tin với kho bạc về việc thu ngân sách; nhanh chóng triển khai công tác kiểm tra sau thông quan đối với TTHQĐT, đảm bảo nguyên tắc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tiếp tục triển khai Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; tăng cường năng lực QLRR; đảm bảo kinh phí và tiến độ trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị hiện đại phục vụ hoạt động nghiệp vụ của Ngành.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Ngành đã đề xuất giải pháp nâng cao năng lực hoạt động kiểm soát hải quan, liên quan đến công tác chống buôn lậu. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Hải quan về địa bàn, thẩm quyền, biện pháp nghiệp vụ; bổ sung thẩm quyền cho hải quan trong hoạt động điều tra, khởi tố đối với các loại tội phạm về ma túy, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí...

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 9 - 2013

Xứng danh “người gác cửa nền kinh tế”

PV.

(Tài chính) Song hành cùng sự thăng trầm của đất nước, 68 năm qua, ngành Hải quan Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, hội nhập kinh tế - xã hội, giữ vững vai trò “người gác cửa nền kinh tế”…

Xem thêm

Video nổi bật