Yêu cầu cơ quan thuế quản lý chặt chẽ dịch vụ đặt phòng trực tuyến

PV.

Việc quản lý thuế liên quan đến hoạt động dịch vụ kinh doanh đặt phòng trực tuyến của một số công ty nằm ở nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Bộ Tài chính đã có Công văn số 848/BTC-TCT ngày 18/1/2017 hướng dẫn cụ thể các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung quản lý dịch vụ này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt phòng trực tuyến tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 (ngày 3/2/2017).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt phòng trực tuyến tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 (ngày 3/2/2017).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 diễn ra ngày 3/2.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, trước khi có công văn này, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định rõ đối tượng chịu thuế. 

Theo đó, đối với nhà thầu có thu nhập phát sinh từ Việt Nam phải nộp thuế nhà thầu là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cụ thể ở đây là các công ty có trang mạng đặt phòng trực tuyến.

Công văn cũng đưa ra hướng dẫn, đối với các cơ sở nếu không thực hiện nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, tức là đầu ra trừ đầu vào, nộp thuế giá trị gia tăng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu trừ chi phí, thì nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trong đó thuế giá trị gia tăng là 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 5%.

Liên quan đến câu hỏi về chế tài xử lý nếu các công ty này không chịu nộp thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, Luật Quản lý thuế quy định, đối với cơ sở kinh doanh lưu trú tại Việt Nam, ký hợp đồng làm việc với các tổ chức cá nhân nước ngoài thì cơ sở lưu trú đó phải có khấu trừ và nộp thay cho các cá nhân, tổ chức tại nước ngoài. Nếu không thì bản thân các cơ sở ở Việt Nam phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

“Chế tài đã quy định đầy đủ và rõ ràng trong quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thấy rằng thương mại điện tử là vấn đề hết sức mới, do đó Bộ chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục nghiên cứu để làm sao bao quát hết những vấn đề phát sinh mới để quản lý một cách chặt chẽ nhất”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến vấn đề đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên từ 3.000 - 8.000 đồng/lít trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 1.000 - 4.000 đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể mức thuế trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chính sách về bảo vệ môi trường của Nhà nước (hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 3.000 đồng/lít).

Việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ đối với xăng là từ 3.000 – 8.000 đồng/lít đang trong quá trình soạn thảo xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân, chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế - xã hội trong trước mắt và lâu dài… để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định.

Việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường nói chung và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nói riêng phải được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Bảo vệ môi trường.