Suy giảm kinh tế: Làm sao xác định “chỉ số” phá sản, giải thể?

Sài Gòn Tiếp thị

Con tàu kinh tế Việt Nam đang lao đi với tốc độ lớn, mà hãm phanh đột ngột thì có nhiều doanh nghiệp bị văng ra, hay bị bẹp gí. Thực tế này là không thể phủ nhận, nhưng làm sao xác định được số lượng các “nạn nhân” đó để đưa ra giải pháp cho cả đoàn tàu đang là vấn đề lớn. Nhiều chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đều thừa nhận, không thể xác định một cách tương đối số lượng các doanh nghiệp đã phá sản, hay đang có nguy cơ phá sản trong khuôn khổ tổ chức của mình.

Không thể xác định

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nói: “Chúng tôi chưa có số liệu thống kê chính xác. Tuy nhiên, theo khảo sát qua mẫu gần đây, thì nhiều khu vực doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do thiếu đơn đặt hàng từ nước ngoài trong các ngành dệt may, chế biến gỗ, du lịch, thuỷ sản… Một bộ phận doanh nghiệp co cụm sản xuất, không dám mở rộng quy mô công ty, nhà xưởng, dự án”.

Phạm Thị Loan, chủ tịch hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội chia sẻ đánh giá này: “Hiệp hội chúng tôi cũng chưa có số liệu này, nhưng qua trao đổi với các hội viên, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, xây dựng, thiết kế, tư vấn, dịch vụ thương mại cho biết họ đang làm thủ tục để tạm dừng, hoặc đóng cửa. Xu hướng hiện tại là thế, nhưng hậu quả chắc chắn mới nhìn rõ trong năm 2009”.

Võ Quốc Thắng, chủ tịch hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh với hơn 700 thành viên nhận xét thêm, đưa ra con số này là chuyện rất nhạy cảm. Ông nói: “Đây là vấn đề tế nhị nên tôi không thể nói được, nhưng nhiều thành viên của chúng tôi đã giảm quy mô sản xuất vì rất nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Thái, chủ tịch hiệp hội Công thương Hà Nội cho biết “Không có con số đâu, đừng hy vọng nhé. Nhưng nói thật là các doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn. Có doanh nghiệp co cụm, hay bị xiết nợ, hay đình đốn kinh doanh, hay nằm im chờ thời”.

Như vậy, đánh giá của cả bốn vị chủ tịch doanh nghiệp trên trong tháng 12 là khác xa so với nhận xét của chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm trong tháng 10 vừa qua. Lúc đó, ông Kiêm cho rằng, tới 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ phá sản ấy. Trong số này, có 10% đã ngừng hoạt động hoặc đã chuyển hướng hoạt động và 10% còn lại bị ảnh hưởng lớn của lạm phát và lãi suất tăng cao.

Con số này, theo ông Kiêm, được căn cứ vào số liệu báo cáo của các địa phương, tổng hợp qua các cuộc hội thảo và theo dõi thường xuyên trong hiệp hội.

Tuy vậy, ông Vũ Duy Thái nói với SGTT rằng ông nghi ngờ con số này. Ông Thái nói: “Ông Kiêm nói con số 20% phá sản là dự báo thôi. Theo tôi, không ai nói rằng mình đang phá sản để bị người khác đến xiết nợ.”

Được biết, văn phòng Chính phủ đang tiến hành điều tra các địa phương về con số này.

Khó khăn đã rõ

Trong khi đó, theo một nguồn tin đáng tin cậy, tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm nay chỉ vào khoảng 19%, so với mức kỷ lục gần 54% của năm 2007. Đây là mức thấp bất thường so với mức trung bình 25% của nhiều năm nay.

Thực tế này đang tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp. Một nghiên cứu của bộ Kế hoạch và đầu tư gần đây cho thấy, khảo sát 269 doanh nghiệp tại Hải Phòng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì chỉ còn 50% đang hoạt động, 21% đã dừng hoạt động và 29% đã không còn ở địa chỉ đăng ký.

Trong khi đó, bộ này cho biết, có 49.300 doanh nghiệp thành lập mới trong chín tháng đầu năm. Tuy vậy, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trên phạm vi cả nước đang có chiều hướng giảm sút mạnh kể từ tháng 6 đến nay, so với nửa đầu năm. Bộ này cũng đặt ra câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu có được 500.000 doanh nghiệp tư nhân đến năm 2010 từ 360.000 tính đến cuối năm 2008 này.

Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2008 công bố đầu tháng này cho thấy, trong tổng số 254 doanh nghiệp được điều tra, có tới 73% trả lời rằng họ bị tác động tiêu cực của những khó khăn kinh tế vĩ mô, 14% không bị ảnh hưởng và vỏn vẹn 13% còn giữ được lạc quan về triển vọng tương lại. Những con số này đã khác xa so với báo cáo tương tự 2007.

Trong năm 2008 này, Việt Nam đã trải qua hai cuộc khủng hoảng, sốt nóng với lạm phát đầu năm, và cảm lạnh với giảm phát cuối năm. Khó khăn của năm tới được dự báo còn khó khăn hơn nhiều. Liệu những khó khăn đảo chiều đột ngột, và chưa từng có này sẽ tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp còn non trẻ ở Việt Nam?