Tái cấu trúc chi ngân sách nhà nước hướng đến phát triển nhanh, bền vững


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, công tác quản lý chi ngân sách và cơ cấu ngân sách đã được Bộ Tài chính triển khai quyết liệt và đạt những bước tiến quan trọng.

Chủ trương, chính sách về cơ cấu chi NSNN đã có nhiều chuyển biến qua từng thời kỳ phát triển của đất nước. Nguồn: internet
Chủ trương, chính sách về cơ cấu chi NSNN đã có nhiều chuyển biến qua từng thời kỳ phát triển của đất nước. Nguồn: internet

Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, toàn diện

Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), chủ trương, chính sách về cơ cấu chi NSNN đã có nhiều chuyển biến qua từng thời kỳ phát triển của đất nước, góp phần cải thiện rõ nét về quy mô chi NSNN, cơ cấu chi, tỷ trọng chi NSNN đã thay đổi theo hướng tích cực, toàn diện, bền vững.

Quy mô chi NSNN giai đoạn 2006-2010 đạt bình quân 29,8% GDP, tăng trên 20%/năm; giai đoạn 2011-2015, bình quân ở mức 29,4% GDP. Ngân sách nhà nước kết hợp với thu hút các nguồn vốn khác đã góp phần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là nền tảng cho phát triển kinh tế và giải quyết đói nghèo, thực hiện các mục tiêu tiến bộ, công bằng.

Ông Hưng cho biết, quy mô chi ngân sách hàng năm, đặt biệt là chi đầu tư nguồn NSNN được điều chỉnh linh hoạt theo các mục tiêu, yêu cầu quản lý vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Giai đoạn 2011 - 2015, cơ cấu chi đã có sự chuyển dịch, bám sát chủ trương, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng chi con người, chi phát triển lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, bảo vệ môi trường...

Theo đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bố trí trong dự toán chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 giảm, đạt bình quân khoảng 18% tổng dự toán chi NSNN, thấp hơn so với 24,4% của giai đoạn 2006 - 2010; tỷ trọng chi thường xuyên tăng mạnh, nhằm tăng chi phát triển con người, nhất là phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Bước sang giai đoạn 2016-2018, với chủ trương cơ cấu lại ngân sách, tăng hợp lý chi đầu tư, Bộ Tài chính đã thực hiện tái cấu trúc một bước chi ngân sách, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển (dự toán đã tăng trên 26%, thực hiện đạt khoảng 27 - 28%), giảm tỷ trọng chi thường xuyên (dự toán khoảng 64%, thực hiện đạt 62 - 63%); thực hiện cải cách tiền lương hằng năm tăng 7%/năm theo nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm các nhiệm vụ chi quốc phòng - an ninh, các chính sách an sinh xã hội...

Bên cạnh đó, với cơ chế trao cho địa phương quyền phân cấp trên địa bàn, phân bổ chi ngân sách, triển khai các nhiệm vụ chi ngân sách gắn với nhu cầu công chúng địa phương đã từng bước tăng cường hiệu quả, tạo động lực thực hiện công khai, minh bạch và giám sát ngân sách của các tổ chức, cộng đồng địa phương; nâng cao hiệu quả chi ngân sách. 

Đẩy mạnh tái cấu trúc chi ngân sách nhà nước

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi NSNN hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Võ Thành Hưng cho rằng, cần tập trung triển khai đồng bộ 07 giải pháp trọng tâm, cụ thể:

Một là, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại NSNN, nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; làm tiền đề để củng cố các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô vững chắc.

Hai là, kiểm soát quy mô chi trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của đất nước. Khẩn trương cấu trúc lại chi ngân sách một cách toàn diện, giữa chi đầu tư, chi thường xuyên, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các cấp ngân sách và ngay trong nội bộ ngành, lĩnh vực. 

Ba là, quản lý chi NSNN cần được đổi mới đồng bộ gắn với đổi mới phương thức quản lý tài chính các lĩnh vực, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường; tập trung ngân sách vào các nhiệm vụ thiết yếu; tăng cường cơ chế đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí theo nhiệm vụ; tăng cường quản lý ngân sách trung hạn gắn với quản lý nợ công, chi đầu tư công trung hạn; chủ động kiểm soát bội chi.

Bốn là, ưu tiên xử lý các bất cập trong quản lý vốn đầu tư công, khắc phục các vấn đề phân bổ dàn trải, chậm, giải ngân không đạt kế hoạch, chuyển nguồn kéo dài...; thống nhất quản lý lĩnh vực chi đầu tư và chi thường xuyên; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật đầu tư công; phát triển hệ thống quản lý kiểm soát thanh toán vốn đảm bảo bố trí nguồn lực và thực hiện giải ngân theo tiến độ kỹ thuật của dự án.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là chất lượng các dịch vụ giáo dục – đào tạo và hiệu quả, hiệu lực bộ máy nhà nước.

Sáu là, tăng cường xã hội hoá việc cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở hoàn thiện cơ chế chính sách và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, trong việc tiếp cận nguồn kinh phí NSNN cho phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Bảy là, nghiên cứu, rà soát lại cơ chế phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương...