Tái cơ cấu nợ công đạt nhiều mục tiêu


Thu hẹp phạm vi nguồn vốn nước ngoài vay về cho vay lại, theo đó không thực hiện vay thương mại nước ngoài về cho vay lại, chỉ sử dụng một phần nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ để cho vay lại; không thực hiện việc cho vay lại tới các định chế tài chính theo hình thức hạn mức tín dụng... đã được Bộ Tài chính triển khai trong năm 2018.

Tái cơ cấu nợ công đạt nhiều mục tiêu và đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn.
Tái cơ cấu nợ công đạt nhiều mục tiêu và đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn.

Kéo dài kỳ hạn vay trong nước

Ngày 18/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2035/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu nợ Chính phủ trong nước giai đoạn 2017-2021, trong đó ưu tiên phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn dài, tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư để đảm bảo bền vững nợ công; tái cơ cấu danh mục nợ trong nước của Chính phủ theo hướng bền vững nhằm giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn và rủi ro thanh khoản; đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn, tăng cường thanh khoản cho các quỹ tài chính nhà nước.

Thực hiện Đề án này, năm 2018, đã huy động vốn vay trong nước 250.468 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, đạt 90,8% so với kế hoạch và chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ.

Kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, theo đó năm 2018 đã phát hành 196.797 tỷ đồng, đạt 89,1% so với kế hoạch.

Trên cơ sở tình hình thu, chi NSNN, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính đã chủ động giảm khối lượng phát hành TPCP trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngoại hối có nhiều biến động để ổn định lãi suất, tiết kiệm chi phí trả lãi cho NSNN, đồng thời tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên (chiếm trên 90% tổng khối lượng huy động, tăng mạnh so với mức 70,5% năm 2017) để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP.

Cùng với kết quả thu NSNN năm 2018 tương đối tốt, mức tồn ngân quỹ nhà nước cao, Bộ Tài chính đã chủ động điều chỉnh kế hoạch huy động để phù hợp với tiến độ giải ngân, đảm bảo quản lý sử dụng vốn hiệu quả. Trong năm 2018 đã huy động 53.671 tỷ đồng từ nguồn tạm ứng ngân quỹ nhà nước.

Đối với các quỹ tài chính nhà nước, trong năm 2018 thanh khoản tương đối ổn định, Bộ Tài chính chưa thực hiện phát hành TPCP để trả nợ trước hạn, đồng thời đã bố trí trong dự toán ngân sách để trả Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 6.000 tỷ đồng, trả nợ tạm ứng ngân quỹ nhà nước 25.000 tỷ đồng.

Đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết trả nợ trong nước là 198.907 tỷ đồng, trong đó trả gốc là 101.657 tỷ đồng, trả lãi là 97.250 tỷ đồng.

Trả nợ nước ngoài là 51.554 tỷ đồng, bao gồm: nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 27.748 tỷ đồng (trong đó trả gốc là 20.027 tỷ đồng, trả lãi là 7.721 tỷ đồng); nghĩa vụ trả nợ của các khoản Chính phủ vay về cho vay lại là 23.806 tỷ đồng (trong đó trả gốc là 15.473 tỷ đồng, trả lãi là 8.333 tỷ đồng).

Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Rút vốn cho vay lại năm 2018 khoảng 807,2 triệu USD (tương đương khoảng 18.355,3 tỷ đồng). Dư nợ cho vay lại đến cuối năm 2018 là 18.020,5 triệu USD, tương đương 409.606,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 38,4% dư nợ nước ngoài của Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thực hiện theo hạn mức gắn với thời kỳ ổn định ngân sách (5 năm) và theo hạn mức hàng năm. Hạn mức này được xây dựng trong kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ nói chung căn cứ vào nhu cầu vay mới, tình hình thực hiện kỳ trước và đánh giá khả năng bố trí nguồn trả nợ của từng đối tượng nhận vay lại.

Thu hẹp phạm vi nguồn vốn nước ngoài vay về cho vay lại, theo đó không thực hiện vay thương mại nước ngoài về cho vay lại, chỉ sử dụng một phần nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ để cho vay lại; không thực hiện việc cho vay lại tới các định chế tài chính theo hình thức hạn mức tín dụng...

Đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ và các hạn mức nợ, về cơ bản, các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định thông qua một số đánh giá như:

Thứ nhất, nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua, quy mô GDP đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng (cao hơn 5,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch là 5.530 nghìn tỷ đồng).

Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.

Thứ ba, giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến như đã nêu ở trên và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài.