Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA: Thách thức và giải pháp


Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU, đồng thời, cũng là một FTA có mức cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Bốc, xếp hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU.
Bốc, xếp hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU.

Thách thức về lợi ích giữa Việt Nam và EU

Châu Âu (EU) là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Thời gian qua, cán cân thương mại của EU đối với Việt Nam liên tục ở trạng thái thâm hụt cho EU và thặng dư cho Việt Nam. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU là các sản phẩm truyền thống dựa trên lợi thế lao động như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính…

Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ hầu hết các nước thành viên EU, mặt hàng nhập khẩu từ EU chủ yếu là máy móc - thiết bị - dụng cụ, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa.

Về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính lũy kế đến tháng 4/2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với 2.244 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

FDI từ EU đặc biệt tăng nhanh sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và đạt mức kỷ lục 2,6 tỷ USD vốn đăng ký năm 2010 và vốn thực hiện khoảng 1,69 tỷ USD. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, dòng vốn này chậm lại. Trong vài năm gần đây, FDI từ EU được phục hồi song vẫn chưa đạt được mức kỷ lục của năm 2010.

Mặc dù có sự gia tăng vốn đầu tư, tỷ trọng FDI của EU vào Việt Nam còn khiêm tốn trong tổng FDI của EU ra nước ngoài cũng như FDI của EU vào ASEAN nói chung. Hiện, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ. 

Với việc chính thức tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam và các nước thành viên EU đã tăng cường phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất với 99,2% số dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức thuế ưu đãi 0%.

Bên cạnh đó, EVFTA là hiệp định thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng với mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam tính đến nay và cũng là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Chính vì vậy, thách thức đối với Việt Nam là không hề nhỏ khi tham gia vào Hiệp định này bởi những cam kết và quy định khắt khe về thương mại (thuế quan) hàng hóa; các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; quy tắc xuất xứ hàng hóa; thương mại dịch vụ và đầu tư.

Cân bằng lợi ích và những giải pháp căn cơ

Có thể thấy, các cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA tạo ra một môi trường thương mại, đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN) hai bên. Trong đó, cam kết của EU cho Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất trong các FTA gần đây của EU. Bên cạnh đó, cam kết của Việt Nam cho EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam thực hiện với các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại.

Để tận dụng cơ hội, ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại và cân bằng lợi ích giữa các bên, Việt Nam cần có các giải pháp triển khai trong thời gian tới, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản như:

Thứ nhất, phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thoả mãn yêu cầu về xuất xứ. Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như: dệt may, giày dép… và lắp ráp (như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử).

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các DN đầu tư phát triển các cụm sản xuất nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt DNNVV cũng như DN FDI; Xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất cũng như vào các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế nói chung cũng như EVFTA nói riêng. Đồng thời, cần quy định các chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ; Tăng cường đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải, đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo cam kết trong EVFTA...

Thứ ba, phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn. Cần thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả; Thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Khai thác lợi thế trong các cam kết đầu tư từ EVFTA nhằm tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất; Phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các DN xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các DN; Tăng cường đầu tư công nghệ phục vụ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác.

Thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đáp ứng những cam kết và thể hiện quyết tâm của nước ta khi chấp nhận các “luật chơi” quốc tế, nhất là thị trường các nước phát triển như EU.

Bên cạnh những giải pháp trên, để thích ứng và nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết EVFTA, trước hết cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất và cụ thể của Trung ương, thông qua chương trình hành động quốc gia, cụ thể hóa bằng những kế hoạch cấp Chính phủ và bộ, ngành, địa phương và từng cộng đồng DN.

Theo đó, cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập thời gian qua, thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thể chế cần được xử lý (bao gồm cả về luật pháp và bộ máy quản lý…) cần xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm hiểu và mở rộng các cơ hội tiếp cận thị trường EU.