Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn và giải pháp công nghệ hiện đại

Phùng Tuấn

TCTC Online - Đó là nội dung chính của Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2012 diễn ra trong 2 ngày (20 - 21/09/2012) do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức. Tham dự Hội thảo có ông Phạm Sỹ Danh - Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Nam Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG ASEAN và các chuyên gia kinh tế, các tập đoàn công nghệ thông tin trên thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Những năm gần đây, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, các vấn đề về lập ngân sách, dự báo, quản lý chi tiêu công đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và ngành Tài chính Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã và đang tập trung hoạch định, đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của Ngành, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, với mục tiêu đem đến những bước tiến lớn về tính hiệu quả đạt được trong quản lý tài chính công và kế hoạch ngân sách, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường Dịch vụ tài chính công điện tử.

Là một trong những bộ, ngành có vị trí quan trọng, Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ tiên phong và đạt được những thành tựu nhất định trong ứng dụng CNTT vào các dịch vụ tài chính công. Bên cạnh đó, trong giai đoạn phát triển kinh tế 2011 - 2020, cải cách tài chính công trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của Chương trình Quốc gia về Cải cách hành chính Nhà nước. Bộ Tài chính hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính công, với mục tiêu đem đến những bước tiến lớn về tính hiệu quả đạt được trong quản lý tài chính công, kế hoạch ngân sách và chi tiêu, giảm các thủ tục hành chính, và tăng cường dịch vụ tài chính công điện tử.

Theo Quyết định số 1766/QĐ-BTC ngày 26/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT ngành Tài chính giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đặt mục tiêu: 100% các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính từ cấp tỉnh trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin; Cung cấp 30 dịch vụ công của Bộ Tài chính từ mức độ 3 trở lên; 90% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được nộp qua mạng, 80% các khoản nộp thuế được thực hiện dưới hình thức điện tử; 90% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử; áp dụng quản lý rủi ro trong quá trình làm thủ tục hải quan với tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa tối đa 10% và tỷ lệ kiểm tra hồ sơ tối đa 15%; thực hiện cơ chế hải quan một cửa đạt 60% các loại giấy phép, giấy chứng nhận trao đổi dưới dạng điện tử với các cơ quan chính phủ có liên quan. Đặc biệt, tới năm 2015, 20% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính cùng các hoạt động như: kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, thông báo mời sơ tuyển, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu tham gia, thí điểm hình thức mua sắm công tập trung… sẽ được thực hiện qua mạng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề bền vững tài khóa đã được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 và những thách thức về tính ổn định nguồn thu, xu hướng tăng chi trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế… Đây cũng là chủ đề được các tổ chức tài chính quốc tế như: IMF, World Bank quan tâm trong thời gian gần đây. Bền vững tài khóa là tình trạng có thể kiểm soát được các nguồn thu chi của chính phủ, bảo vệ ngân sách nhà nước trước các cú sốc kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, mục tiêu của việc cải cách tài khóa là điều chỉnh các khoản chi tiêu công cũng như điều chỉnh hệ thống thuế nhằm hướng tới nguồn ngân sách cân bằng và ổn định. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khung pháp lý trong chính sách tài khóa và sự kết hợp giữa người dân với chính quyền các cấp.

Trong bối cảnh như vậy, Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2012 sẽ bao gồm 02 phiên toàn thể, 02 phiên chuyên đề và các thảo luận chuyên sâu, với các chủ đề thiết thực cùng tham luận của các chuyên gia hàng đầu, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực về công nghệ, giải pháp, quy trình nhằm mang đến hiệu quả trong quản trị tài chính công. Qua đó, đưa ứng dụng các tiến bộ của CNTT trong dự báo và lên các kế hoạch tài chính quốc gia, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của các dịch vụ tài chính công điện tử.

Trong ngày 20/09, Hội thảo diễn ra phiên toàn thể với nội dung: “Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn và giải pháp công nghệ hiện đại”. Sau đó, các đại biểu sẽ tham gia phần thảo luận với 2 chuyên đề chính được trình bày tại hội thảo, gồm: Chuyên đề 1 - “Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn và Chuyên đề 2 “Tăng cường bền vững tài khóa: Giải pháp công nghệ hiện đại.

Với chủ đề “Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn và Giải pháp công nghệ hiện đại”, Hội thảo Vietnam Finance 2012 tập trung vào nội dung đổi mới phương thức lập dự toán và phân bổ ngân sách gắn với kết quả và hiệu quả công việc; nâng cao chất lượng dự toán NSNN, đặc biệt việc phân bổ nguồn lực hàng năm định hướng vào các mục tiêu trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đưa ra các giải pháp ứng dụng CNTT hiệu quả, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ điều hành công tác quản lý tài chính quốc gia, tăng cường cải cách hành chính của ngành, từng bước tăng cường dịch vụ hành chính công điện tử, từ đó dần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành Tài chính.

Phiên báo cáo toàn thể, với mục tiêu bàn về mục tiêu bền vững tài khóa, hứa hẹn mang đến nguồn thông tin trên diện rộng về tình hình tài khóa hiện tại và kế hoạch thí điểm các dự án tài chính trung hạn. Nổi bật là các tham luận như: Bền vững tài khóa: Nhìn từ các chỉ tiêu vĩ mô của ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính; Khuôn khổ chi tiêu trung hạn: Xu hướng thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam của ông Habib Rob, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới. Đặc biệt, phiên báo cáo cũng đưa ra các giải pháp mang tính chuyên môn cao về việc lập ngân sách hiệu quả cho ngành tài chính nói chung và khối chính phủ nói riêng từ các chuyên gia quốc tế...

Ngày 21/09 sẽ diễn ra phiên toàn thể về giải pháp công nghệ hiện đại phục vụ triển khai tài chính điện tử đến năm 2015. Với sự chủ trì của ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính), Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các ứng dụng CNTT hiện đại nhằm đạt được các mục tiêu trong phát triển Tài chính công điện tử trong chương trình triển khai Chính phủ điện tử. Hội thảo sẽ bàn về việc áp dụng CNTT trong hoạt động ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc, được trình bày trong các tham luận như Hiện đại hóa công tác thanh toán giữa Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng của ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Kho bạc Nhà nước); Kế hoạch triển khai các dự án CNTT ngành Thuế giai đoạn 2012 – 2013 của ông Phạm Quang Toàn, Phó Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế); Các giải pháp triển khai thủ tục hải quan điện tử hiện đại của ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan). Ngoài ra, rất nhiều bài tham luận khác cũng được các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức quốc tế trình bày như: Giải pháp thanh toán điện tử cho Chính phủ Việt Nam: Cơ hội & Giải pháp của bà Lorijon Bacchi, Giám đốc khu vực, Visa Việt Nam – Lào – Campuchia; Giải pháp CRM giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính điện tử của ông Jirat Boomuang, Trưởng bộ phận kỹ thuật CRM khu vực châu Á Thái Bình Dương, Microsoft…

Bên cạnh chương trình Hội thảo, triển lãm CNTT trong lĩnh vực tài chính là một phần không thể thiếu trong chương trình của Vietnam Finance 2012. Triển lãm không chỉ là nơi các chuyên gia công nghệ hàng đầu từ các tập đoàn lớn như Oracle, Schneider Electrics… giới thiệu các ứng dụng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả của việc dự báo và hoạch định các chính sách tài chính mà còn là nơi các cơ quan chính phủ giới thiệu các hệ thống công nghệ thông tin đang được áp dụng như hệ thống thuế điện tử, hệ thống hải quan điện tử… nhằm tương tác hai chiều với các doanh nghiệp, rút ra kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả của ứng dụng CNTT trong thủ tục hành chính nhà nước.