Tăng cường, chú trọng các phương án điều hành giá với nhiều “kịch bản”

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 của Cục Quản lý giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác điều hành giá của Cục Quản lý giá nhưng cần phải chú trọng phương án điều hành với nhiều “kịch bản” để giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức 7%.

Linh hoạt trong công tác điều hành giá

Với nhiều biến động về giá cả 6 tháng đầu năm nhưng với chức năng là cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành giá, Cục Quản lý giá đã xây dựng nhiều phương án bình ổn, điều hành giá các loại vật tư, hàng hoá quan trọng, có tác dụng tích cực trong việc đảm bảo cân đối cung- cầu hàng hoá, dịch vụ, không để xảy hiện tượng thiếu hàng, gây đột biến về giá.

Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, Cục Quản lý giá tham mưu cho Bộ điều hành giá theo hướng bình ổn, không cứng nhắc. Tuỳ từng loại hàng hoá, dịch vụ có các biện pháp điều hành khác nhau để vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh vừa góp phần kiểm soát và kiềm chế không để tái lạm phát cao trở lại. Cục đề xuất kịp thời các biện pháp điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện, than bán cho điện, giá thuốc, giá xăng dầu... nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến đời sống của người dân.

Theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả thị trường, Cục kiến nghị áp dụng các biện pháp bình ổn giá thích hợp tại trung ương và địa phương. Hướng dẫn các địa phương điều tra giá thành lúa và giá mua lúa, đảm bảo lãi tối thiểu 30% cho người sản xuất. Cục cũng chủ động đề xuất và được Bộ chấp nhận cho triển khai xây dựng Đề án “Những định hướng lớn về quản lý, điều hành giá” trong chiến lược tài chính giai đoạn 2011-2020. Năm 2010 cũng là năm Cục Quản lý giá đề ra một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới. Đến thời điểm này, Cục đã hoàn thành khá tốt khối lượng công việc đề ra.

Do có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đó giá cả trong 6 tháng chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12/2009 chỉ tăng 4,78% là một thành công rất lớn. Đóng góp vào thành công đó có sự tham mưu tích cực về quản lý điều hành giá của Cục Quản lý giá , Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhận định.

Chủ động các biện pháp bình ổn giá theo quy định của phát luật

Những tháng cuối năm, Cục Quản lý giá tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 170/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá; Quyết định của Bộ Tài chính về Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá... Cục tiếp tục tham mưu cho Bộ chỉ đạo thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định của pháp luật hiện đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hoá dịch vụ trong nền kinh tế. Chủ động các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó , sẽ duy trì ổn định giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá than, giá khí bán cho sản xuất điện đến hết năm 2010; tiếp tục giãn thời gian điều chỉnh tăng giá xăng dầu, duy trì ổn định giá than bán cho 4 hộ tiêu thụ lớn (điện, phân bón, xi măng, giấy) đến hết năm 2010. Cục sẽ chủ động phối hợp với Vụ Ngân sách tham mưu cho Bộ ban hành cơ chế giúp các tỉnh cân đối nguồn tài chính tại chỗ của địa phương, tham mưu cho UBND các tỉnh quyết định cho DN kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu chiếm thị phần lớn trên địa bàn vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian thích hợp để dự trữ chân hàng, luôn đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ giá bình ổn (hiện Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang triển khai đến hết năm và Tết 2011).

Cùng với các biện pháp trên, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đặc biệt nhấn mạnh Cục Quản lý giá sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về việc chấp hành về giá, về thuế đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là các hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá và thuộc diện đăng ký, kê khai giá. Với vai trò là đơn vị chủ trì về ngành giá ngoài việc phải có những phân tích, dự báo sớm về tình hình giá cả để có những biện pháp phòng ngừa, thì công tác kiểm tra, kiểm soát giá 6 tháng cuối năm cần được coi trọng và chủ động đề xuất thanh tra giá, phối hợp với các đơn vị chức năng và các địa phương tiến hành thường xuyên công tác này.