Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020

Theo nhandan.com.vn

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) vừa ban hành Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT về Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.

Xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao trong các đợt triều cường ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao trong các đợt triều cường ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị mọi phương án, không để bị động, bất ngờ trong phòng, chống thiên tai năm 2020; xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về PCTT theo hướng chuyên trách, bảo đảm tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

* Ngày 17/4, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai cho biết, vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 16/4, một cơn mưa dông kèm theo lốc xoáy mạnh quét qua xã Bản Hồ (Sa Pa) làm một người chết. Nạn nhân là anh Phàn Quẩn Guyện (SN 1989, trú tại thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa). Ngay sau đó, UBND thị xã đã khẩn trương chỉ đạo chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình người bị nạn.

* Chiều 16/4, tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có mưa lớn kèm theo sấm chớp trong nhiều giờ liền. Sét đã đánh trúng chuồng bò của gia đình ông Phan Hoàng Lợi ở tổ 13, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh làm chín con bò sữa, một con bê bị chết. Sáng 17/4, UBND huyện đã đến hỏi thăm gia đình ông Lợi, đánh giá thiệt hại và có phương án hỗ trợ.

* Ngày 17/4, các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ kênh tại khu dân cư Đồng Vày, phường An Lạc, TP Chí Linh (Hải Dương). Điểm sạt lở cách cống An Bài 140 m về phía hạ lưu, chiều dài cung sạt 85 m, lấn vào bờ 10 m và có độ sâu khoảng 4,5 m; làm sạt mất 30 m đường bê-tông dân sinh phục vụ việc đi lại của nhân dân xóm ngoài đê; làm đổ hai cột điện hạ thế, làm sụt lún một số công trình của các hộ dân. Nguyên nhân ban đầu được cho là do dòng chảy qua cống An Bài nhiều năm gây xói lòng kênh và bờ kênh cùng với mưa to kéo dài.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ngày 18/4 ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cũng cho biết, từ nay đến tháng 5, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mê Công ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 20%. Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao; xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau giảm dần.

* UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Quyết định 1031/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp do hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn với mức rủi ro thiên tai cấp độ 2 (mức độ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng). Đồng thời yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn, mặn xâm nhập.

* Ngành nông nghiệp huyện Đăk Pơ (Gia Lai) cho biết, hiện có khoảng 700 giếng đào từ các chương trình và hộ gia đình bị khô cạn, hơn 800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đã tiến hành khoan giếng để cung cấp nước cho bể chứa...

* Theo UBND huyện Định Hóa (Thái Nguyên), trên địa bàn hiện có nguy cơ sạt lở cao, tập trung chủ yếu tại các xóm, bản: Nà Chát, Bản Chang, Cốc Móc (xã Linh Thông); Tỉn Keo, Đèo De, Khuôn Tát (xã Phú Đình); Gốc Hồng, Hương Bảo 1, Thống Nhất 1 và 2 (xã Quy Kỳ)... Các lực lượng chức năng đang triển khai việc hạ vạt núi, tận thu khối lượng đá sau khi đã xử lý để khôi phục diện tích đất sản xuất nông nghiệp...

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, từ đầu tháng 4 đến nay, ngành chức năng đã ghi nhận hai ổ bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại hai bản Co Đứa và Hin I, thuộc xã Na Sang (huyện Mường Chà) với 32 con bò mắc bệnh. Ngay khi phát hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hướng dẫn người dân cách ly, điều trị gia súc mắc bệnh, hiện 17 con đã khỏi; số còn lại đang tiếp tục được theo dõi, chữa trị.