Tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm


Tại buổi họp báo Chuyên đề “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành” của Bộ Tài chính tổ chức ngày 13/1/2020, đại diện Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã nội luật hóa cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Hiệp định CPTPP.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội và Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 14/6/2019, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2019. 

Theo đó, nội dung mới của Luật số 42/2019/QH14 đã nội luật hóa cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Hiệp định CPTPP, bao gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; bổ sung cho phép cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm, quy định đối tượng, trách nhiệm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ trong nước và qua biên giới; việc quản lý, giám sát trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm.

Điều này đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thị trường trong nước; hoàn chỉnh đầy đủ các yếu tố của thị trường bảo hiểm bao gồm: kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm) và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Trong đó, đối với xã hội, chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đảm bảo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội và tương thích với các cam kết quốc tế. Tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng và chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được kiểm soát dẫn tới môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước gia nhập thị trường.

Đồng thời, chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý các hoạt động của thị trường bảo hiểm, hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam, gắn liền việc quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong tổng thể thị trường. Cùng với đó là tăng cường hình ảnh tích cực về thị trường bảo hiểm và lòng tin của người tham gia bảo hiểm; kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ; thu hút sự tham gia của người dân vào một thị trường bảo hiểm an toàn, lành mạnh; đảm bảo an toàn hơn về tài chính, tăng tính ổn định và niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có tác động tới đối tượng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và đối tượng sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đối với đối tượng sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ tối ưu hóa nguồn lực, chi phí khi sử dụng các hoạt động thuê ngoài; góp phần chuyên nghiệp hóa các khâu của quá trình kinh doanh bảo hiểm.

Tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc không quy định các điều kiện cấp phép, Nhà nước sẽ khó trong công tác quản lý. Ông Huyền chia sẻ, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chính phủ là cần phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, tức là không ban hành các quy định hạn chế các cá nhân gia nhập thị trường, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng khi tham gia. Nội dung của Luật thể hiện việc chuẩn hoá các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trên tinh thần mở cửa, nhưng có sự kiểm soát bằng điều kiện năng lực chuyên môn. Luật không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.

Cụ thể, Luật được ban hành cho phép tất cả các tổ chức có tư cách pháp nhân đáp ứng điều kiện có thể thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời, cá nhân không hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh đối với 4 dịch vụ phụ trợ bảo hiểm còn lại, có thể thực hiện thông qua tổ chức dưới các hình thức như chủ đầu tư, góp vốn thành lập. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân cũng không bị hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh, được thực hiện dưới tư cách cá nhân như đã nêu ở trên.

“Các quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 được thiết kế phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm”, ông Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Luật không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Điều này sẽ tạo môi trường pháp lý bình đẳng, ổn định cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong nước, đáp ứng nguyên tắc Đối xử Quốc gia (NT) trong Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, cần phải được bảo đảm bằng các điều kiện hoạt động cụ thể. 

Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới được quy định tại Luật và quy định chi tiết tại Nghị định số 80/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được áp dụng chung cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Luật cũng quy định rõ về cơ chế quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật số 42/2019/QH14, trên tinh thần không quy định về cấp phép mà chỉ thực hiện hậu kiểm.

Nội dung quản lý, giám sát bao gồm: việc đáp ứng về điều kiện, nguyên tắc, trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Nội dung cụ thể về quản lý, giám sát dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 80/2019/NĐ-CP của Chính phủ