Tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp

Hoàng Ngọc

(TCTC) Trong thời gian từ đầu năm 2009 tới nay, tập thể cán bộ, nhân viên của DATC đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh. Với những hành động thiết thực của mình, DATC đã góp phần cùng ngành Tài chính thực thi có hiệu quả các giải pháp tài chính nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo mà Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đã đề ra.

Những kết quả nổi bật

Tính đến 30/6/2009 đã có 14 DN được DATC triển khai tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu, trong đó 11 DN cũ (được tái cơ cấu trong hai năm 2007 - 2008) và 3 DN mới được tái cơ cấu trong 6 tháng đầu năm 2009. Trong số này, đã có tới 10/14 DN trước khi tái cơ cấu là DNNN làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện CPH, còn 4/14 DN còn lại trước khi được tái cơ cấu là DNNN đã CPH nhưng hoạt động thua lỗ do gặp khó khăn tài chính. Đến nay, các DN này đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động SX - KD, nhiều DN đã sớm ổn định và có lợi nhuận cao chỉ trong một thời gian ngắn. Có thể thấy rõ điều này nếu xem xét trên những phương diện cơ bản của DN, như: tổng số vốn điều lệ của 14 DN đã đạt 492 tỷ đồng (bình quân đạt 35,1 tỷ đồng/DN); trong đó có 7 DN liên tục có lãi từ sau khi được tái cơ cấu là CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP Procimex Đà Nẵng, CTCP mía đường Sơn La, CTCP đường Kon Tum, CTCP công trình giao thông 677, CTCP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long, CTCP sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng. Tính tới 30/6/2009, tổng nộp NSNN 6 tháng đầu năm của 11 DN được tái cơ cấu từ các năm trước đạt 9,8 tỷ đồng; Xét về lợi nhuận, hiện nay số DN mà DATC tái cơ cấu làm ăn đã có lãi, riêng 6 DN đã hoàn thành cơ bản việc tái cơ cấu đã có tổng lợi nhuận sau thuế là 24,7 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm 2009.

Có thể thấy rõ điều này nếu xem xét trên những phương diện cơ bản của DN, như: tổng số vốn điều lệ của 14 DN đã đạt 492 tỷ đồng (bình quân đạt 35,1 tỷ đồng/DN); tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của 11 DN được tái cơ cấu trước từ năm 2008 về trước đạt 438 tỷ đồng (trong đó doanh thu của 6 DN đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu là 307 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm, chiếm 70% doanh thu của 11 DN);

Xét về lợi nhuận, hiện đã có 50% số DN mà DATC tái cơ cấu làm ăn đã có lãi, riêng 6 DN đã hoàn thành cơ bản việc tái cơ cấu đã có tổng lợi nhuận sau thuế là 24,7 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm 2009. Trong số các DN trên thì đã có 7 DN liên tục có lãi từ sau khi được tái cơ cấu là CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP Procimex Đà Nẵng, CTCP Mía đường Sơn La, CTCP Đường Kon Tum, CTCP công trình giao thông 677, CTCP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long, CTCP sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng. Ngay cả các DN còn lỗ cũng đều là những DN đang trong quá trình tái cơ cấu, tiếp tục phải đầu tư khôi phục lại sản xuất, nâng cao công suất và có mức lỗ giảm thấp nhiều so với những năm trước. Tính tới 30/6/209, tổng nộp NSNN 6 tháng đầu năm của 11 DN được tái cơ cấu từ các năm trước đạt 9,8 tỷ đồng, trong đó 6 DN đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu đạt 8,4 tỷ đồng, chiếm tới 85% tổng số nộp NSNN của 11 DN.

Đối với các hoạt động xử lý nợ, thu hồi vốn - hoạt động được xác định là trọng tâm công tác trong 6 tháng đầu năm 2009, DATC đã ưu tiên tập trung nhân lực và thời gian cho hoạt động này với nhiều biện pháp xử lý được triển khai đồng bộ, quyết liệt vừa đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế. Theo đó, DATC đã tập trung rà soát, đánh giá lại tất cả cac phương án nợ và tài sản đã mua theo hình thức thỏa thuận, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý thích hợp. Kết quả đã xử lý, thu hồi nợ được 164,6 tỷ đồng (không kể 47.8 tỷ đồng chuyển nợ thành vốn góp), bằng 138,4% chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2009, và bằng 214% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, 49% là số nợ thu được từ các DN đã được tái cơ cấu, 16,9% là số nợ thu được từ việc xử lý tài sản đảm bảo, 34,1% là số nợ thu được từ các DN khách nợ khác.     

  Với những nỗ lực vươn lên không ngừng, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tài chính của DATC cũng rất đáng trân trọng: tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của DATC đạt 232,3 tỷ đồng, vượt 39% so với kế hoạch, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, doanh thu từ xử lý thu hồi nợ và tài sản tồn đọng tiếp nhận đạt 5,4 tỷ đồng, chiểm tỷ trọng 2,5% trong tổng doanh thu, bằng 77,4% chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2009. Doanh thu từ xử lý, thu hồi nợ và tài sản tồn đọng đã mua đạt 164,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70,8% trong tổng doanh thu, so với kế hoạch tăng 112,5% so với cùng kỳ năm 2008. Lợi nhuận trước thuế của toàn Công ty đạt 51 tỷ đồng, bằng 50,4% kế hoạch cả năm 2009, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2008. Mức đóng góp vào NSNN của DATC đã đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 127% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2009, bằng 63,8% kế hoạch cả năm 2009. Ngoài ra, DATC cũng đã thực hiện tốt công tác xã hội - từ thiện thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như phát động tinh thần uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái trong toàn bộ cán bộ CNV của Công ty, đã quyên góp được gần 400 trăm triệu đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, nạn nhân bị nhiễm chất động da cam, xây dựng Quỹ quà tặng cuộc sống, ủng hộ xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ thuộc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

          Trong những tháng còn lại của năm 2009, DATC tiếp tục phát triển theo hướng chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ, nắm sát tình hình để tiếp tục hoàn thiện các phương án tái cơ cấu lại DN, đảm bảo sao cho tất cả các phương án tái cơ cấu đều có thể sẵn sàng triển khai được ngay sau khi cơ chế, chính sách, được tháo gỡ, phương án được phê duyệt. Ngoài ra, Công ty sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động của các DN đã được tái cơ cấu để tiếp tục củng cố, hỗ trợ các DN này hoàn thiện các biện pháp tái cơ cấu, sớm vượt qua khó khăn, đi vào ổn định và phát triển. Đối với các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong thời gian còn lại của năm, DATC phấn đấu tiếp tục triển khai việc tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu 15-20 DN khách nợ; tổng doanh thu đạt: 291,5 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu từ xử lý thu hồi nợ và tài sản tồn đọng đã mua đạt 218,2 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 55 tỷ đồng.

Vẫn vướng cơ chế...

               Hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN đã giúp nhiều DN phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tránh được thiệt hại tài chính do DN vay vốn mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên do đây là lĩnh vực còn rất mới nên các quy định hiện hành chưa tạo động lực để các DN phát huy. Theo nhận định của các chuyên gia thì hiện nay khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của Công ty hiện nay vẫn là vướng ở cơ chế cũng như hành lang pháp lý. Do chưa có chế tài cụ thể cho lĩnh vực này nên tạo ra những cách hiểu và những ý kiến khác nhau.

Từ thực tế của DATC trong thời gian vừa qua, ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc Công ty DATC cho rằng hiện tại vướng mắc lớn nhất đối với hoạt động của Công ty mua bán nợ chính là hành lang pháp lý, thể hiện cụ thể như sau: Thứ nhất là về cơ chế xoá nợ. Hiện nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể về xoá nợ như thế nào đối với các khoản nợ tiếp nhận không còn khả năng thu hồi. Muốn tái cấu trúc DN thì phải xử lý tồn tại cũ, làm lành mạnh hoá tài chính nhưng hiện nay để làm được điều này phải xin ý kiến của Bộ Tài chính, chứ Công ty mua bán nợ không tự quyết được, dẫn đến việc kéo dài thời gian.

Thứ hai là do chưa có hướng dẫn cụ thể nên có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định đối tượng DN khách nợ như thế nào ? Chỉ mua DN nhà nước, hay áp dụng cho mọi thành phần kinh tế ? Xu hướng hiện vẫn nghiêng về phía DN nhà nước. Trên thực tế hiện nay pháp luật đã quy định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Và nếu như giải quyết được khó khăn cho DN dù là tư nhân hay nhà nước thì đều góp phần tích cực làm lành mạnh hoá nền kinh tế. Sở dĩ có tâm lý trên là theo quy định hiện hành việc mua bán dựa trên thoả thuận nên sợ phát sinh tiêu cực.

Thứ ba là cho vay bảo lãnh. Quy định hiện hành không cho phép Công ty mua bán nợ cho vay bảo lãnh. “Có thực mới vực đươc đạo” trong khi đó phần lớn các nhà máy, DN mà chúng tôi mua hoặc định mua đều trong tình trạng “hấp hối” hoặc “chết”. Nếu không “bơm” tiền vào thì nhà máy không thể hoạt động và cũng không thể tái cấu trúc bởi họ không thể đi vay ngân hàng được nữa thì mới tìm đến chúng tôi.

Thứ tư là quy trình hướng dẫn thủ tục thoả thuận hiện rất chung chung nên thường kéo dài. Bộ Tài chính cần phải có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu.

Thứ năm là lợi thế đất đai. Khi xác định giá trị DN để thực hiện chuyển đổi sở hữu DN nhà nước thì phần lớn đối với cac DN khách nợ, giá trị đất đai thường chiếm tỷ trọng cao. Tính như thế nào cho đủ, cho hợp lý ? Hiện nay chúng tôi còn khoảng 20 DN đủ điều kiện chuyển đổi, đủ nguồn xử lý nhưng do vướng về đất đai nên chưa chuyển đổi được. Nếu tính giá đất theo thị trường thì không thể làm được.

Những vướng mắc nói trên đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DATC.  Ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC cho rằng: Nếu như DATC có được cơ chế thông thoáng và được hoạt động theo mô hình DN đúng nghĩa thì mỗi tháng có thể “cứu” được 3 đến 4 DN. Và như vậy sẽ giúp được rất nhiều cho nền kinh tê. Chẳng hạn: Rút được vốn về cho Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu thuế cho Nhà nước... Nhưng do chưa có các quy định rõ ràng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thu nợ của Công ty, vừa tốn thời gian, mất cơ hội và tăng chi phí.

Với những chức năng, nhiệm vụ đã được Nhà nước giao cho, với những mục tiêu đã được đề ra, có thể nói DATC đã mang một trọng trách lớn lao - phải trở thành một trong những định chế tài chính làm cột trụ cho việc chuyển đổi sở hữu DNNN - thành phần kinh tế chủ đạo của toàn bộ nền kinh tế đất nước. Và, thực sự là DATC được thực tế DN chào đón bởi đây là một tổ chức của  Nhà nước có nhiệm vụ làm “bà đỡ” cho các DN (đặc biệt là các DNNN) hồi sinh, đẩy nhanh vòng tuần hoàn của dòng vốn, tạo nền tảng cơ sở cho quá trình phát triển thực sự bền vững của DN Việt Nam. Hy vọng rằnng những vướng mắc từ cơ chế sẽ sớm được khắc phục để DATC  ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa sứ mạng của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của DNNN nói và của cả nền kinh tế.