Thay đổi mô hình tăng trưởng: Bắt đầu từ thể chế

Theo InfoTV

Bên lề Hội thảo Lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức vào sáng 23/06/2010, Chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

 

*Ông đánh giá thế nào về mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong suốt thời gian qua? Liệu đã đến lúc chúng ta phải thay đổi?

TS. Trần Du Lịch: Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được đặt ra trong vài năm gần đây, đặc biệt khi thế giới nổ ra cuộc khủng khoản kinh tế. Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam dựa vào nguồn nhân công giá rẻ trong công nghiệp gia công và khai thác tài nguyên là tương đối phù hợp với giai đoạn đầu của nền kinh tế kém phát triển đi lên từ nông nghiệp. Phải khẳng định rằng mô hình đó đã có đóng góp quan trọng góp phần thành tựu tăng trưởng kinh tế như hiện nay.

Tuy nhiên, để thoát được bẫy thu nhập trung bình và thực hiện công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi từ mô hình gia công sang sản xuất, từ nguồn lao động giá rẻ sang nguồn lao động chất lượng cao. Có như vậy mới có thể tạo cho nền kinh tế một năng lực cạnh tranh về chiều sâu.

*Vậy theo ông chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu?

TS. Trần Du Lịch: Trước hết, chúng ta nên bắt đầu từ khâu đột phá về thể chế kinh tế, tạo ra một thể chế tốt để thực hiện đúng chức năng vai trò kinh tế của Nhà nước và huy động được các thành phần kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh.

Thứ hai là phải đổi mới trong kế hoạch để mang tính chất định hướng để các doanh nghiệp đi theo con đường đó. Trong đó vai trò của doanh nghiệp Nhà nước phải là bù đắp cho những “khuyết tật” của thị trường.

Đi sâu vào cụ thể, điều hết sức quan trọng là chúng ta phải đẩy mạnh nền công nghiệp phụ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam không còn phải làm gia công. Dĩ nhiên chuyển đổi nền kinh tế đòi hỏi phải có lộ trình, tuy nhiên tôi cho rằng thời điểm cần tập trung nhất là từ năm 2011-2015.

*Để khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, theo ông sẽ cần đến những yếu tố nào?

TS. Trần Du Lịch: Theo kinh nghiệm của các nước đi trước, phát triển công nghiệp phụ trợ thuộc về vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghĩa là làm sao khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các linh kiện, phụ kiện; các tập đoàn, tổng công ty lớn cũng nên có sự phân công lại để tạo điều kiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thực hiện vai trò này, còn các Tập đoàn kinh tế lớn sẽ có vai trò đầu tư tạo ra sự cốt lõi.

Một số nước trên thế giới họ có chính sách cấm các tập đoàn lớn tham gia vào sản xuất công nghiệp phụ trợ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên Việt Nam chúng ta lại chưa có được chính sách như vậy.
 Hiện nay có 4 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia gồm: công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí; công nghiệp hỗ trợ phát triển các ngành nhựa, cao su; công nghiệp hỗ trợ điện tử, viễn thông; và công nghiệp hóa chất. Theo tôi cần có những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai… để xây dựng được chuỗi những khu công nghiệp phát triển liên hoàn.

*Xin cảm ơn ông!