Thế giới nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2019

Theo Trí Dân/saigondautu.vn

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) của IMF đã ghi nhận điều thú vị, nếu năm 2018 Trung Quốc chỉ đạt tăng trưởng 6,6% và Việt Nam đạt 6,7%, có lẽ đây là lần hiếm hoi trong 30 năm qua Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Vượt qua khó khăn năm 2018

Các nhà nghiên cứu nước ngoài khi nghiên cứu đều cho rằng kinh tế Việt Nam gặp khó khăn trong giai đoạn từ 2001-2015 nhưng kể từ 2017 đã đi lên.
Thời báo tài chính (Anh) trích dẫn báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019" của Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho rằng: kinh tế 2018 Việt Nam lạc quan, kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2017.

Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) nhận xét Việt Nam đã nhảy vọt 25 bậc trong bảng xếp hạng của WB về logistics (World Banks’s Logistics Performance Index 2018), đạt thứ hạng 39 trong số 160 quốc gia. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam từ thứ 5 lên thứ 3.  

WB dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay 6,8%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục dự báo khoảng 6,9%... Tuy nhiên trong bối cảnh trong nước và thế giới nhiều biến động, thử thách, các chuyên gia, tổ chức quốc tế đã có những lo lắng cho việc đảm bảo mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam. Nhưng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục đà chuyển biến tích cực, nhất là việc thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức cao với con số 7,08%, vượt qua cả các dự báo.

Với 3 năm liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về số vốn giải ngân FDI (với tổng số vốn hơn 50 tỷ USD), Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Có thể kể Công ty Samsung (Hàn Quốc) đã đầu tư hơn 54 tỷ USD vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất ở nước ngoài lớn nhất của Samsung (theo Reuters). Ngoài ra, trong tháng 12 Samsung đã rút chi nhánh ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc và dự kiến sẽ chuyển qua đầu tư ở Việt Nam và Ấn Độ (theo báo Hàn Quốc Korea Times). 

Cũng theo báo này, nhìn ở góc độ ổn định vĩ mô, Việt Nam đã duy trì ổn định khá tốt, nền kinh tế đã hấp thụ các xung lực bên ngoài mà không gây ra các biến động đáng kể lên thị trường ngoại tệ trong nước, dù sức ép có những thời điểm được đẩy lên cao. 

Theo WB, trong năm 2018, Việt Nam đã nhận được hơn 15 tỷ USD kiều hối, góp phần làm tích lũy ngoại tệ của Việt Nam liên tục tăng và hiện đạt mức khoảng 63 tỷ USD, tương đương hơn 3 tháng nhập khẩu. Quy mô dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đứng thứ 34 trên thế giới. Việt Nam có kết quả tích cực trong việc giải quyết nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu 2018 đã giảm nhẹ so với năm 2017.

Trong năm 2018, Việt nam đã hạn chế được tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như việc Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đồng USD. 

Trong bối cảnh nhiều đồng tiền trên thế giới đã giảm giá đáng kể, ví dụ như đồng rupee của Ấn Độ giảm khoảng 14%, đồng real của Brazil giảm giá hơn 11% so với đầu năm. Nếu tính từ thời điểm tháng 3, khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá gần 10%, đồng EUR gần 9%, đồng yên Nhật hơn 7%, đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc cũng mất giá từ 4-6%. Trong khi đó, VNĐ chỉ mất giá khoảng 2,4-2,8% so với thời điểm nổ ra cuộc chiến thương mại.

Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018 phản ứng có tích cực, có tiêu cực, nhưng nhìn chung khá ổn định, vững vàng.

Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á của ANZ nhận định: “Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh năm 2019. Tăng trưởng GDP trong năm 2019 sẽ ở mức cao khi Việt Nam tiếp tục thu hút được các dòng vốn FDI vào để mở rộng cơ sở sản xuất. Cụ thể, ANZ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam là 7%”.

Các nhà phân tích kinh tế - tài chính quốc tế cũng đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước chủ trì, cùng lãnh đạo các tổ chức tín dụng bàn giải pháp và định hướng triển khai kế hoạch "tuyên chiến" với tình trạng tín dụng đen.

Nhiều cơ hội tốt cho 2019

Một số chuyên gia kinh tế nước ngoài lạc quan về khả năng ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2019 giữa Việt Nam và EU. Việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu kinh tế, chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo đà cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong bản Báo cáo có tựa đề "Vietnam - Fast, not furious, growth" (Việt Nam - tăng trưởng nhanh nhưng không rủi ro). Trong báo cáo này, Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2019, nhờ khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ và hoạt động tiêu dùng gia tăng.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Standard Chartered nhận định: "Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2019 - giống như năm 2018. Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao".

Cũng theo dự báo của chuyên gia Standard Chartered, lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ có năm thứ hai liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong năm 2019. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm; vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử. Báo cáo cũng nhận định mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ, đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước, sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của cả năm 2018.

Lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp gần 40% cho nền kinh tế, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm, sau khi đạt mức tăng 7% trong nửa đầu năm.

Về lạm phát, nhóm nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered dự báo lạm phát của Việt Nam đạt trung bình 3,7% năm 2018, và sẽ tăng lên 5% trong năm 2019.

Những thách thức và nhiều bẫy

Theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, về mặt vĩ mô, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế thị trường, sự hòa nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới chưa thể bằng các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia... Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều rủi ro. Đó là tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI; tăng trưởng tín dụng và cung tiền vẫn ở mức cao, kéo dài, tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô; tỷ lệ nợ công và nghĩa vụ trả nợ lớn.

UNCTAD cho rằng mặc dù dòng vốn FDI vào Việt Nam đang giữ xu hướng tăng trong thời gian qua, nhưng yếu tố chất lượng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, nhà đầu tư vẫn tìm đến Việt Nam như một thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp và là một điểm đến nhằm phân tán rủi ro từ Trung Quốc.

Hãng AP cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ của Việt Nam phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải “được cởi trói hơn nữa”

Nhiều ý kiến của chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam giờ không nên đặt tăng trưởng cao mà đi vào chất lượng tăng trưởng, nền tảng tăng trưởng. Vấn đề là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy "môi trường ô nhiễm"… 

Các nhà phân tích kinh tế cũng chỉ ra một số rủi ro, thách thức tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019 như chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa, chủ nghĩa dân tuý. Bên cạnh đó là những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm; trình độ phát triển khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn người ngoài còn chênh lệch, nhất là trong xuất nhập khẩu.