Thiết lập “đường ray” vững chắc cho doanh nghiệp tăng tốc

Theo Thuý Hải/saigondautu.vn

Bàn về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khu vực DN tư nhân được đề cập trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng từ chủ trương, đường lối đến các chính sách hỗ trợ DN hiện đã rất đầy đủ. Tuy nhiên, các DN vẫn chưa thể tăng tốc vì thiếu một “đường ray” vững chắc. Năm 2019, các DN sẽ tiếp tục bước vào cuộc sàng lọc rất dữ dội…

Doanh nghiệp làm ăn bài bản sẽ phát triển

TS. Trần Du Lịch
TS. Trần Du Lịch

PV. Thưa ông, những quyết sách mà Chính phủ đã ban hành ngay từ đầu năm 2019 liệu có là những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh?

TS. Trần Du Lịch: Ngay từ ngày đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết có liên quan đến nhau. Đó là Nghị quyết 01 (điều hành kinh tế - xã hội năm 2019) nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 02 về các chỉ tiêu để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, lấy các tiêu chí của ASEAN 4 để chúng ta phấn đấu cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh về mặt thể chế.

Cả 2  nghị quyết này hướng tới mục tiêu tiếp tục cải cách, tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong công tác điều hành để huy động nguồn lực, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Trong đó có các nội dung rất quan trọng, đó là tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn trong việc gia nhập thị trường của các DN, các dự án đầu tư và những vấn đề về hợp tác công - tư (PPP), kể cả đầu tư công trong xây dựng. Chính phủ cũng phân công rất cụ thể các bộ, ngành trong việc sửa đổi các bộ luật liên quan.

Mục tiêu tổng thể của 2 nghị quyết là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện hiệu quả bộ máy hành chính, đồng thời Chính phủ cũng đưa ra khẩu hiệu mới trong năm nay là phải bứt phá. Bứt phá hiểu theo nghĩa, tạo sự chuyển biến của nền kinh tế, cho giai đoạn phát triển mới từ năm 2021-2030 phải tăng cao hơn nữa.

Thưa ông, kinh tế tư nhân có vị trí, vai trò ra sao trong Nghị quyết 01? 

Hiện nay, kinh tế tư nhân có phát triển nhưng các DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế, kể cả tại TPHCM. Hiện tăng trưởng của khu vực này chủ yếu vẫn dựa vào tăng trưởng của khu vực kinh tế hộ gia đình, cá thể, hộ nông dân.

Tôi cho rằng, nếu không phát huy đúng vai trò, nội lực của khu vực kinh tế này, chúng ta sẽ làm giảm khả năng chống chịu của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. 

Nghị quyết 01 là sự kế thừa liên tục tư tưởng chỉ đạo của một Chính phủ hành động từ năm 2016 đến nay. Mỗi năm, nâng mức độ, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cao hơn và dần tạo được niềm tin cho thị trường và cho DN. Tôi cho rằng, đây là cơ hội để DN trong nước có thể nắm bắt các chính sách, thúc đẩy phát triển. 

Đi vào cụ thể, năm 2018 là năm sàng lọc thị trường rất mạnh. Với những DN yếu kém thì phải ngưng hoạt động, không thể tồn tại được. Bên cạnh đó, cũng đã có hàng chục ngàn DN hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngưng. Môi trường kinh doanh 2019 tiếp tục sàng lọc những DN yếu kém và tạo điều kiện cho DN thực sự có năng lực lớn mạnh.

Có thể nói nôm na, những DN làm ăn bài bản, biết nắm bắt cơ hội, tuân thủ pháp luật thì Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất để phát triển; còn những DN được thành lập để chụp giựt, đi buôn hóa đơn… sẽ không có đất để sống. 

Điểm thứ hai, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các nghị định, chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa (DNNVV). Năm 2018 chúng ta đã thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Trong quá trình hội nhập, đặc biệt là việc gia nhập CPTPP, sẽ tạo cơ hội cho các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị.

Với Nghị quyết 01, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành soạn thảo để trình Quốc hội xem xét Luật Về công nghiệp hỗ trợ và Luật Đối tác công - tư để tạo sự đồng bộ trong quá trình thực hiện, kéo giảm khoảng cách từ chính sách đi vào cuộc sống, tạo điều kiện vững chắc cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển.

Nhà nước phải xử lý những điểm chồng chéo trong các quy định

Như ông đã nói, Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho DN, nhưng để thực thi hiệu quả thì vai trò của các bộ, ngành và địa phương phải làm những gì?

Theo tôi, để các quyết định, chủ trương của Chính phủ xuống cơ sở và đến gần DN hơn, cần giải quyết 3 việc.

Thứ nhất, phải xử lý chế độ phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ và địa phương cho minh bạch hơn. Chẳng hạn các dự án địa phương duyệt được thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, chứ không phải đem ra Trung ương duyệt như hiện nay.

Thứ hai, phải xử lý dứt điểm việc chồng chéo trong các quy định. Hiện có tình trạng, một lĩnh vực nhưng mỗi bộ, ngành lại ra một văn bản khác nhau, hoặc một văn bản nhưng mỗi đơn vị lại hiểu một cách khác nhau, dẫn đến cách áp dụng khác nhau. Thực tế này đang làm hạn chế các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Thứ ba, hiệu quả thực hiện các chủ trương, chính sách đang phụ thuộc quá nhiều vào quá trình cải cách các thủ tục hành chính, rồi các chế độ đãi ngộ công chức trong bộ máy công quyền. 

Ở góc độ DN, họ cần làm gì để thích ứng tốt với quá trình sàng lọc đang diễn ra mạnh mẽ?

Thứ nhất, DN kinh doanh phải dựa trên sở trường, không dựa vào sở đoản, không phải thấy cái gì có lợi cũng làm.

Thứ hai, phải có khát vọng. Không có một DN nào để đi đến thành công mà không trải qua những giai đoạn thất bại. Tuy nhiên, phải có khát vọng thì mới vượt qua chính mình.

Thứ ba, đã đến lúc DN Việt Nam phải có sự liên kết với nhau, không thể từng DN thích làm gì thì làm. Các DN muốn lớn mạnh, phải tham gia chuỗi giá trị liên kết. Nhược điểm của DN Việt Nam là liên kết kém nên cần phải khắc phục sớm. Chúng ta không thể nói mãi vấn đề này, mà phải làm ngay. 

Trong bối cảnh chung thì như vậy, dĩ nhiên trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cũng sẽ có cách làm riêng của mình. 

Phải có quá trình để DN tư nhân phát triển

Nhiều ý kiến cho rằng, DN tư nhân lớn nhưng chưa mạnh, tỷ lệ DN tư nhân đóng góp vào GDP còn rất khiêm tốn, vì sao như vậy, thưa ông?

Chúng ta không kỳ vọng vào sự phát triển quá nhanh của khu vực kinh tế này. Vì thực tế đổi mới và mở cửa thị trường chúng ta mới chỉ thực hiện trong vài chục năm nay và cũng mới có từng đó năm DN tư nhân hình thành. Thành ra chúng ta không thể so mình với các nước đã có bề dày hàng trăm năm hình thành và phát triển thị trường.

Mặt khác, nói gì thì nói, nguồn lực phát triển của DN trong nước còn giới hạn. Phần lớn nguồn vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào ngân hàng nên việc tích tụ vốn không lớn để có thể phát triển nhanh được. 

Cuối cùng, vấn đề về tâm lý. Thực tế thì giữa đường lối phát triển và quy định của pháp luật nó còn nhiều rủi ro, nên chưa tạo tâm lý tốt cho DN. Với những điều tôi đã nói thì như chủ trương nếu đòi hỏi khu vực kinh tế tư nhân phát triển đúng vị trí, vai trò là rất khó vì đòi hỏi phải có quá trình, không thể nào ngủ một đêm đến sáng là có được một đội ngũ DN lớn mạnh. Nên nhớ rằng, thể chế kinh tế của Việt Nam là quá trình đang hoàn thiện từng bước để có một thị trường đúng nghĩa. Kinh tế tư nhân cũng mới chỉ được tạo điều kiện để phát triển trong những năm gần đây. 

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế cho đến Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2015 mới thực hiện một nguyên tắc người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Trước đó, sự sáng tạo của DN thường bị quy vào tội kinh doanh trái phép. Chúng ta phải nhìn một cách thấu đáo mới thấy rằng khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển nhanh hay chậm.

Theo ông, hiện nay các cơ chế chính sách để hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã đủ chưa?

Thực sự về quan điểm, đường lối và các chính sách đã rất đầy đủ, nhưng tính đồng bộ của pháp luật thì chưa đầy đủ. Nói nôm na, luật chơi để tạo một sân chơi bình đẳng, rõ ràng, minh bạch chưa hoàn thành, hay luật pháp được ví như một đường ray cho tàu chạy thì còn gập ghềnh.

Hiện, nhiều bộ luật vừa ban hành nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ sau đã thấy bất cập và phải sửa đổi, do có sự chồng chéo. Những cái này tôi cho là chúng ta đang trong quá trình phải hoàn thiện.

Để thực thi có hiệu quả Nghị quyết 01, trước hết mỗi cán bộ trong bộ máy công quyền được phân công trong nghị quyết này phải thể hiện thật tốt trách nhiệm của mình. Với chính quyền địa phương, trên tinh thần của nghị quyết phải triển khai thật cụ thể các biện pháp tại địa phương mình để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong từng danh mục, nội dung các bộ, ngành phải làm đều có thời điểm nên cần có sự phân công để thực thi đúng nhiệm vụ, quyền hạn và thời hạn. Cùng với đó, phải lập kỷ cương thực hiện nghị quyết từ các bộ, ngành trước thì mới có kỷ cương và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Muốn địa phương làm tốt thì phải bắt đầu từ trung ương, từ chính các bộ, ngành phải thực thi thật tốt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ