Thông tư 122 không đi “lệch” hướng thị trường

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Theo đó, gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải những thông tin trái chiều xung quanh việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo Thông tư 122/2010/TT-BTC (Thông tư 122) của Bộ Tài chính, nhất là trong bối cảnh mặt hàng sữa đã liên tục tăng giá trong thời gian qua. Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc ban hành Thông tư 122 đã tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân, cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Điều đáng nói là, các doanh nghiệp (DN) trong nước tuân thủ rất tốt các quy định và cũng không có ý kiến phàn nàn gì. Chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài, mà cụ thể là các hãng sữa ngoại mới kêu ca. “Tôi nghĩ, chắc phải có vấn đề gì đó đụng chạm đến quyền lợi của họ“, ông Tuấn khẳng định.

Việc đăng ký giá bán với Bộ Tài chính, theo ông, sẽ mang lại hiệu quả như thế nào trong vấn đề quản lý giá sữa?
 
Trước hết, xin khẳng định, Thông tư 122 không phải để quản lý giá sữa. Đây là văn bản sửa đổi Thông tư 104 (ban hành năm 2008), trong đó khắc phục 2 điểm là điều kiện áp dụng bình ổn giá đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn và bổ sung đối tượng đăng ký giá. Tại thông tư 104 cũ có quy định các đối tượng đăng ký giá là DNNN có vốn sở hữu Nhà nước từ 51% trở lên.

Điều này đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp vì nghiễm nhiên, doanh nghiệp tư nhân và DN có vốn sở hữu Nhà nước dưới 51% sẽ không phải đăng ký giá. Do đó, Thông tư 122 bổ sung hai điểm mới đó vào và sữa là một trong số các mặt hàng thuộc diện bình ổn.
 
Thời gian gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh sữa liên tục có các điều chỉnh giá theo hướng tăng từ 7% đến 10%. Ông có cho rằng điều đó là bất thường?
 
 Việc tăng giá của các DN vẫn thực hiện theo Thông tư 104 và họ cũng không vi phạm, Bởi lẽ, theo Thông tư 104, điều kiện bình ổn giá là 15 ngày, trong biên độ 15%. Do vậy họ cứ tăng nhát gừng: 7%, 9%, 10% từ tháng/lần hoặc vài tháng/lần.
 
Điều đáng nói ở đây là họ đã giữ ở mức độ giá cao và việc tăng giá trong tháng 8, đầu tháng 9 vừa rồi, theo cá nhân tôi chưa thấy ổn lắm. Các DN đưa ra hai lý do là giá nguyên liệu tăng và tỷ giá tăng. Tuy nhiên, theo như Bộ Công Thương, giá nguyên liệu và giá sữa ở nước ngoài không tăng; thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ở mức 2% thôi, trong khi giá sữa lại tăng từ 7% đến 10% là chưa hợp lý.
 
Vậy có phải các DN đang tăng giá để “né” Thông tư 122 khi mà thời điểm có hiệu lực đã gần kề?
 
Cái đó không thể khẳng định một cách chủ quan được. Tăng giá là do thị trường điều tiết chứ không phải vấn đề “né” chính sách. Nhưng vô hình chung, nó xảy ra ở thời điểm trước khi Thông tư 122 có hiệu lực nên có thể cách hiểu của mỗi người có khác nhau.
 
Gần đây, báo chí cũng có đăng tải những thông tin liên quan đến việc 5 vị đại sứ Mỹ, Úc, Canada, Liên minh Châu Âu, New Zealand có thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về Thông tư 122, coi đây là đi lệch hướng thị trường. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
 
Tôi xin nói rõ thế này: Vào thời điểm xây dựng dự thảo Thông tư 122, Cục Quản lý giá và lãnh đạo Bộ Tài chính đã rất thận trọng và có mời các vị đại sứ tại những nước có các hãng sữa nhập khẩu vào Việt Nam lấy ý kiến về dự thảo. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức lấy ý kiến của đông đảo người dân thông qua Website Bộ Tài chính trong 60 ngày; lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Qua đó, đại bộ phận người dân và các bộ, ngành, địa phương đều tình, ủng hộ theo quan điểm của Bộ Tài chính.
 
Tuy nhiên, có một số hãng sữa chưa đồng ý về việc đăng ký giá và chắc hẳn, có kiến nghị lên các đại sứ của họ, nhưng là từ trước khi ban hành Thông tư 122. Do đó, trong quá trình xây dựng dự thảo, các đại sứ này đã có thư góp ý thôi chứ chưa phải là phản đối. Trong đó, các đại sứ cho rằng, nếu thực hiện theo Thông tư này sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN, rồi ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh…

Với vai trò là cơ quan chuyên môn về giá, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ từ ý kiến tham gia đóng góp của người dân, của các vị đại sứ, của các hãng sữa. Chúng tôi cũng rà soát lại tất cả các quy định liên quan đến vấn đề Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt từ điều 96 -103 mà Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO và nhận thấy, không có một quy định nào trong dự thảo Thông tư 122 vi phạm các quy định liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO. Do vậy, cơ quan quản lý giá đã tiến hành trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 122 như hiện nay.
 
Hiện có quá nhiều nhà nhập khẩu, điều đó có gây áp lực về khối lượng công việc đối với cơ quan quản lý không?
 
Cục Quản lý giá không phải là nơi tiếp nhận tất cả mà việc tiếp nhận đăng ký giá, kê khai giá được phân cấp cho 63 tỉnh, thành phố. Có mặt tại sở tài chính tiếp nhận, có mặt hàng các sở thương mại, các cơ quan khác tại địa phương tiếp nhận, các cơ quan này có trách nhiệm rà soát các cơ cấu, yếu tố hình thành giá trong giá bán đó nên không đến nỗi tạo thành gánh nặng.

Hơn nữa, đối với mặt hàng sữa nói riêng, không phải tất cả các loại sữa đều phải đăng ký giá và kê khai giá, mà chỉ áp dụng cho các loại sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Do vậy, cũng rất ít so với tổng thể các mặt hàng khác.
 
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, sữa là trong những mặt hàng cần bình ổn giá, nhưng không phải những mặt hàng sữa không phải đăng ký mà cơ quan quản lý không can thiệp. Nếu trong trường hợp các mặt hàng này tăng giá bất hợp lý, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương sẽ yêu cầu DN có văn bản giải trình.
 
Vậy đến bây giờ, cơ quan quản lý giá đã nhận hồ sơ đăng ký của DN sữa nào chưa?
 
Nếu nói về mặt hàng sữa thì chưa có DN nào đăng ký, vì thời hiệu của Thông tư 122 bắt đầu từ 1/10/2010. Nhưng với các mặt hàng khác như xi măng, thép, khí, gas… đã có DN đăng ký rồi.
 
Theo tôi thấy rằng, các DN trong nước tuân thủ rất tốt và họ cũng không kêu ca gì. Việc đăng ký giá theo Thông tư 104 từ trước kia hay Thông tư 122 bây giờ, đối với họ cũng bình thường. Chỉ có các hãng sữa ngoại mới kêu ca nhiều về vấn đề này.