Thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài


Ngày 15/8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 và tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Nguồn: VGP
Toàn cảnh phiên chất vấn. Nguồn: VGP

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5/10/2018 của UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường thu hút và quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả phục vụ cho phát triển đất nước.

Hệ thống quy định pháp luật được rà soát, bổ sung và hoàn thiện; trong đó, đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định về chỉ đạo, điều hành quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan toả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường sự chủ động và hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài gắn với trách nhiệm của các Bộ, địa phương, phù hợp với thông lệ quốc tế; Kịp thời báo cáo Quốc hội có Nghị quyết về điều chỉnh vốn nước ngoài trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo trước UBTVQH. Nguồn: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo trước UBTVQH. Nguồn: VGP

Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt được các kết quả quan trọng; hiệu quả các chương trình, dự án đã được nâng cao, bảo đảm các chỉ tiêu nợ công mà Quốc hội giao; trong đó nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát ở mức 50% GDP, thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và giảm mạnh so với mức 52,7% vào năm 2016 và 51,7% vào năm 2017.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ giải ngân còn thấp so với kế hoạch giao; Một số dự án đã ký kết xong nhưng chưa được các bộ, ngành tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân cam kết với nhà tài trợ; Quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng không đầy đủ và kịp thời...

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án; quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao uy tín, vị thế đất nước.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sử dụng vốn vay ODA. Nhấn mạnh việc 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sử dụng vốn ODA đến nay đều chậm tiến độ, đội vốn lớn, đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm trong quản lý và sử dụng vốn vay ODA và giải pháp thời gian tới.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nguồn: internet
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nguồn: internet

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực (ngày 1/7/2018), những vấn đề về chủ trương đầu tư, ký kết hiệp định, điều chỉnh dự án, phân bổ dự toán… đều thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo sự phân công của Chính phủ.

Sau khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, Nghị định số 132/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sửa là Bộ Tài chính là đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, điều này chưa thực sự phù hợp với Luật Quản lý nợ công khi đầu mối quản lý chỉ là chức năng đàm phán, ký kết, trong khi việc đầu tư bao gồm rất nhiều khâu, từ chủ trương đầu tư, giao dự toán...

Hiện nay, một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là giao dự toán, giao kế hoạch chậm. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án, hay những vấn đề nội tại như: giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng... làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này cần báo cáo thêm với Chính phủ để có bước phân công hợp lý hơn, nhất là khi triển khai Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận các dự án đường sắt đô thị ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đang rất chậm tiến độ.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn. Nguồn: internet
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn. Nguồn: internet

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là các dự án đường sắt đô thị mà lần đầu tiên Việt Nam thực hiện, do đó, hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực từ tư vấn đến quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Do là dự án rất lớn, phức tạp nên từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh tăng vốn lớn. Bộ trưởng dẫn tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP. Hồ Chí Minh là tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ khoảng 17.000 tỷ lên khoảng 47.000 tỷ đồng; Dự án số hai cũng tăng từ 26.000 lên 47.000 tỷ đồng; Dự án đường sắt của Hà Nội cũng tăng lên khoảng 40.000 – 50.000 tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực ra các dự án này là tính chưa hết, chưa đầy đủ. Vì chưa triển khai nên khái niệm đội vốn cũng ở mức độ. Nguyên nhân chính là do không lường hết quy mô, hạng mục của dự án nên phải điều chỉnh lại.

Về tiến độ xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay các dự án này đã rõ về thẩm quyền. TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành thẩm định lại để phê duyệt điều chỉnh lại dự án, trên cơ sở đó thống nhất với Bộ Tài chính về phương án vay và cấp phát giữa nhà nước và địa phương, nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối, do vậy có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện.