“Thu thuế phải thu được lòng dân”

Theo Nguyễn Anh Việt/qdnd.vn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn cán bộ, đảng viên, công chức ngành thuế: “Thu thuế phải thu được lòng dân”. Thực hiện lời dạy sâu sắc của Người, những năm qua, ngành thuế luôn chủ động, sáng tạo tìm ra nhiều biện pháp, cách thức quản lý thuế khoa học, nhằm tạo sự đồng thuận và tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xây dựng lợi ích chung

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác quản lý tài chính. Người chỉ rõ: Công tác tài chính phải chủ động phân phối nguồn lực tài chính, các khoản thu ngân sách nhà nước cho phát triển, tiêu dùng, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân, phải cho nhân dân no ấm thì “mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu”. Sự nghiệp công tác thuế là của toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ.

Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước; ... đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung”. Vì vậy, công tác thuế phải "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" để quần chúng nhân dân biết và đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong quản lý thuế, "thu thuế phải thu được lòng dân".

“Thu thuế phải thu được lòng dân”
Cán bộ ngành thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp làm thủ tục kê khai thuế.

Nhìn lại lịch sử ngành tài chính nói chung và hệ thống thuế nói riêng, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử đất nước, trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, đời sống nhân dân cả nước gặp rất nhiều khó khăn… nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mỗi cán bộ thuế đã trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận dân vận thực thụ. Đội ngũ cán bộ ngành thuế đã vận động nhân dân chắt chiu từng hạt gạo, đồng tiền thuế để phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đất nước ta thống nhất, non sông thu về một mối, toàn dân ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Sau 45 năm thống nhất đất nước, cả nước tiếp tục bắt tay vào công cuộc đổi mới, hệ thống thuế tiếp tục đồng hành với cả nước để từng bước đổi mới phương pháp quản lý thu thuế, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách thuế. Đồng tiền thuế tiếp tục được phát huy để phục vụ quốc kế dân sinh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ lợi ích của nhân dân, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Qua những đóng góp sức người, sức của to lớn của nhân dân ta và các thành phần kinh tế càng thấy rõ ý nghĩa quan trọng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó đã trở thành phương châm đồng hành xuyên suốt của hệ thống thuế từ Trung ương tới địa phương.

Tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất do tác động của dịch Covid-19. Tổng cục Thuế kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan thuế trên toàn quốc triển khai các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ và hướng dẫn người nộp thuế thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ, hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Nếu chính sách này được thông qua, sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để tăng thêm cho chi tiêu nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đề xuất giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Nếu chính sách này được thông qua sẽ tác động tới 700.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động được hưởng lợi. 

Tính đến hết ngày 7/5/2020, cả nước có tổng cộng hơn 90.000 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được gửi đến cơ quan thuế, với tổng số tiền gia hạn hơn 26.260 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là 26.054 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế giá trị gia tăng 8.130 tỷ đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 14.619 tỷ đồng, tiền thuê đất 3.305 tỷ đồng); gia hạn đối với cá nhân 207 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế giá trị gia tăng và tiền thuế thu nhập cá nhân là 86 tỷ đồng, tiền thuê đất 121 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã tích hợp 93 thủ tục hành chính thuế trên Cổng dịch vụ công quốc gia để người nộp thuế có thể tra cứu, thực hiện. Đó là các thủ tục hành chính thuế liên quan đến: Hóa đơn; khai thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài,…); phí, lệ phí; quyết toán thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân)… Với kết quả này, Tổng cục Thuế đã hoàn thành 100% kế hoạch tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành trước thời hạn 6 tháng so với yêu cầu của Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 683/QĐ-BTC.