Thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN

PV.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, việc thúc đẩy triển khai NSW, ASW là cấp thiết nhằm phát huy tối đa hiệu quả mang lại của các cơ chế này.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN có ý nghĩa quan trọng. Nguồn: internet
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN có ý nghĩa quan trọng. Nguồn: internet
Năm 2020, triển khai tất cả các thủ tục hành chính qua NSW
Được triển khai chính thức từ tháng 11/2014, đến ngày 15/7/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 doanh nghiệp được xử lý thông qua NSW. Về ASW, từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10/06/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 04 nước là 14.392 C/O.
Việc triển khai NSW, ASW không chỉ tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường quốc tế, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại buổi họp báo chuyên đề về thúc đẩy NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại chiều ngày 19/7/2018 của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, mục tiêu đề ra trong triển khai NSW, ASW là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua NSW dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Đồng thời, tham gia và triển khai đầy đủ ASW theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; Sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia.
Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.
Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua NSW. 
Thúc đẩy triển khai hiệu quả NSW, ASW
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình cho rằng, cần thực hiện là xây dựng và ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đặc biệt, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; Đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, chứng để áp dụng tối đa chứng từ điện tử...
Đồng thời, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo hướng: Xử lý tập trung thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trên nền tảng công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Sẵn sàng về mặt kỹ thuật để thực hiện ASW theo lộ trình và đảm bảo trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; Thí điểm thuê dịch vụ trong cung cấp các tiện ích cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để thực hiện NSW và ASW.

Xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện NSW, ASW; Xây dựng cơ chế và tổ chức hỗ trợ người sử dụng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về NSW.

Các Bộ, ngành xây dựng dự toán chi tiết thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 và Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020; Trong đó, phân định rõ nguồn kinh phí thực hiện.

Xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới nhằm kết nối các cơ quan chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng (các ngân hàng thương mại, bảo hiểm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics...) liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên nền NSW.

Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua công bố ấn phẩm về báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; Đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịnh vụ công thông qua NSW.