Thực hiện Luật Quản lý thuế: Ghi nhận tại Cục Hải quan TP.HCM

Minh Hải

TCTC - Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, qua một năm rưỡi thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế đã có chuyển biến tích cực; ý thức của người nộp thuế tự giác và kịp thời hơn, kết quả thu ngân sách ở hầu hết các địa phương chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên quá trình triển kahi thực hiện cũng đang xuất hiện những vướng mắc và bất cập.

    Luật Quản lý thuế (QLT) được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Qua hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện Luật, với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính và đặc biệt là ngành Hải quan, ngành Thuế; sự phối hợp của các cấp, các ngành có liên quan, công tác QLT đã có chuyển biến tích cực; ý thức của người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế tự giác và kịp thời hơn, kết quả thu ngân sách ở hầu hết các địa phương chuyển biến tốt hơn. Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thực hiện Luật QLT đã đề cao quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế qua việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Ý thức của người nộp thuế đã được nâng cao thể hiện qua tỷ lệ vi phạm pháp luật thuế thấp hơn so với trước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ có 1.041 tờ khai hải quan (chiếm tỷ lệ 0,06%) có vi phạm về các thủ tục thuế. Bước đầu có thể nói rằng, Luật QLT đã đi vào cuộc sống, được các tổ chức, cá nhân và người dân đón nhận và thực hiện. Cụ thể là kết quả thu ngân sách ở hầu hết các địa phương chuyển biến tốt.

Cục Hải quan Tp.HCM là một đơn vị hải quan lớn nhất của cả nước, thực hiện khối lượng công việc chiếm trên 40% khối lượng của toàn Ngành, và số thu ngân sách đạt gần 50% tổng số thu từ hoạt động XNK trên phạm vi toàn quốc.  Vừa qua, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Luật QLT. Đánh giá về kết quả thực hiện Luật Quản lý thuế, theo Cục Hải quan TP.HCM: Luật QLT có phạm vi tác động rộng đã giúp các tổ chức, cá nhân xác định rõ  trách nhiệm trong việc tự kê khai, tính thuế, nộp thuế tự chịu trách nhiệm trước pháp luật để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Luật QLT thực sự đã làm thay đổi tư duy trong quản lý, phục vụ tốt hơn cho DN và công tác thu thuế của Cục Hải quan TP.HCM. Số thu ngân sách trong 2 năm 2007 và 2008 đều vượt chỉ tiêu được giao, trong đó đặc biệt số nợ thuế đã giảm nhiều. Tính đến 31/11/2008, tổng số nợ thuế chuyên thu và thuế tạm thu tại Cục Hải  quan TP.HCM là trên 1.500 tỷ đồng (nợ chuyên thu 1.031 tỷ đồng và nợ tạm thu gần 500 tỷ đồng), trong đó số nợ thuế tồn đọng do cơ chế chính sách của giai đoạn từ năm 2005 chuyển qua lên đến gần 3.400 tỷ đồng. Nếu chỉ xem xét đến khía cạnh tiền thuế chuyên thu, trong năm 2008, tiền nợ thuế chuyên thu chỉ tăng 231 tỷ đồng so với nợ từ năm 2005. Trong đó chủ yếu là nợ quá hạn và nợ trây ỳ. Số nợ của những DN giải thể phá sản và nợ bỏ trốn tăng không đáng kể. Đối với nợ thuế tạm thu đã giảm nhiều do công tác đôn đốc các DN thanh khoản hồ sơ tốt…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc việc triển khai Luật QLT trong hơn một năm rưỡi qua cũng đang xuất hiện những tồn tại và bất cập. Ông Lê Kiên Trung, Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Một số quy định của Luật QLT tạo thuận lợi cho người nộp thuế rất nhiều nhưng lại không tạo điều kiện để cơ quan QLT thực thi nhiệm vụ. Ví như, trong luật QLT quy định 6 bước cưỡng chế, nhưng thực chất, đó không phải các bước, mà là các phương pháp khác nhau, ví như là phương pháp qua ngân hàng để cưỡng chế tài sản DN hoặc siết nợ, siết tài sản DN. Các phương pháp này không liên quan đến nhau, nhưng lại buộc cán bộ phải thực hiện theo tuần tự. Vì vậy, trong khi thực hiện, cán bộ bị vướng và bị bó nhiều. Theo tôi, cần phải cho phép áp dụng các phương pháp thích hợp, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện phù hợp, không nên bắt buộc cứng nhắc việc thực hiện tuần tự theo các bước (mà thực chất lại là các phương pháp). Hiện nay, chúng ta đang cải tiến các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng chúng ta lại quên mất rằng, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần phải được tạo thuận lợi. Tạo thuận lợi cho DN là tốt, nhưng nếu không thuận cho cơ quan pháp luật thì việc thu thuế sẽ khó, dẫn đến tiền thuế của nhà nước dành để phục vụ cho đại bộ phận dân chúng lại không được đảm bảo”.

          Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong việc triển khai Luật QLT, như: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được theo yêu cầu đòi hỏi của Luật. Chẳng hạn như việc kết nối thông tin giữa cơ quan Thuế, Hải quan và Kho bạc chưa được thực hiện dẫn đến việc quản  lý thông tin DN phiến diện, không đánh giá được đầy đủ quá trình chấp hành pháp luật của DN  trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như hoạt động SXKD trong nội địa; Chương trình KT-559 không đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý của Luật QLT gây khó khăn cho công chức Hải quan trong theo dõi nợ thuế;  khó khăn trong công tác phối kết hợp với các đơn vị chức năng. Đặc biệt, đối với biện pháp chế tài, như: cưỡng chế, kê biên tài sản của DN nợ thuế, Luật QLT và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định chi tiết, nhưng trên thực tế khi triển khai áp dụng  còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác tài sản hợp pháp của cá nhân nợ thuế đang nắm giữ; xác định trị giá của tài sản; xác định tỷ lệ % trách nhiệm của cá nhân đối với tỷ lệ vốn đóng góp của DN; xác định và tính tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu. Các biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế,… chỉ hiệu quả đối với DN đang hoạt động. Biện pháp trích tài khoản tiền gửi của đối tượng nợ thuế chỉ có hiệu quả đối với những trường hợp đối tượng nợ thuế có khoản tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng…

...Có thể nói, Luật QLT mới có hiệu lực trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã đi vào cuộc sống và đã phát huy tác dụng tốt. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có biện pháp giải quyết kịp thời, nhân lên nhiều hơn nữa, rộng hơn nữa những kết quả tích cực của việc thực hiện Luật QLT vào sự phát triển của ngành Hải quan, ngành Thuế nói riêng và nền kinh tế nói chung.