Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công


Công tác quản lý, sử dụng tài sản công 6 tháng đầu năm 2020 đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và đạt được kết quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác này vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định cần khắc phục và cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương...

Tiếp tục xác định số lượng ô tô phục vụ theo chức danh, ô tô phục vụ công tác chung, ô tô chuyên dùng theo quy định.
Tiếp tục xác định số lượng ô tô phục vụ theo chức danh, ô tô phục vụ công tác chung, ô tô chuyên dùng theo quy định.

Hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác quản lý, sử dụng tài sản công

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, căn cứ Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước.

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai dự án nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, qua đó tổng hợp, quản lý toàn diện các tài sản công; nghiên cứu xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, xử lý tài sản công.

Như vậy, đến nay Bộ Tài chính đã hoàn thành công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó trình ban hành 17 Nghị định, 01 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và ban hành 09 thông tư theo thẩm quyền.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế rà soát, xác định số lượng ô tô phục vụ theo chức danh, ô tô phục vụ công tác chung, ô tô chuyên dùng theo quy định; phối hợp sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai dự án nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, qua đó tổng hợp, quản lý toàn diện các tài sản công; nghiên cứu xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, xử lý tài sản công. Trong đó, đã triển khai một số nhóm nhiệm vụ cụ thể như:

Thứ nhất, đối với công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Cục Quản lý công sản cho biết, để đảm bảo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ công tác cổ phần hóa, ngày 20/3/2020, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3199/BTC-QLCS gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 287 cơ sở nhà, đất.

Thứ hai, đối với việc quản lý, sử dụng xe ô tô, theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và yêu cầu thực tế phải xử lý xe ô tô trong điều kiện Nghị định đã có hiệu lực thi hành; để kịp thời triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập chỉ đạo một số nội dung về rà soát, xác định rõ số lượng xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; rà soát, xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ ba, về việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, căn cứ quy định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, kết cấu hạ tầng giao thông (hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt quốc gia, đường bộ), Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng phương án quản lý, khai thác tài sản công là cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia, hàng không trong thời gian bộ máy của cơ quan nhà nước chưa đáp ứng điều kiện để quản lý các tài sản này; tham gia ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.

Trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển 129 công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước từ Ủy ban nhân dân tỉnh sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.

Thứ tư, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Trong đó tập trung triển khai Dự án: “Nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công” nhằm tổng hợp quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật; nghiên cứu xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng…) đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công.

Thứ năm, về quản lý tài chính đối với đất đai, Bộ Tài chính tham gia với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát cơ chế chính sách tài chính liên quan đến đất đai, trên cơ sở đó kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Luật Đất đai năm 2013.

Phối hợp với các địa phương trong việc tập trung nguồn thu từ đất trong 6 tháng đầu năm 2020 số thu từ đất lũy kế đến hết ngày 31/05/2020 đạt 65.846 tỷ đồng, trong đó, tiền sử dụng đất: 53.589 tỷ đồng (đạt 55,9 % dự toán năm 2020, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu tài chính ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian vừa qua về cơ chế, chính sách và triển khai quyết liệt trong việc rà soát, sắp xếp xử lý tài sản công; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công chưa được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Theo Cục Quản lý công sản, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ; phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng theo quy định; phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập sở hữu toàn dân về tài sản và phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định; rà soát, đánh giá các quy định về phân cấp đã ban hành đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với quy định; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công; thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; triển khai quyết liệt Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ và Thông tư số 29/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.