Tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người dân vùng lũ


Theo thông tin từ Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, tổng giá trị thiệt hại tài sản sơ bộ ban đầu trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua lên đến 2.700 tỷ đồng. Chính phủ cam kết sẽ làm hết sức mình để khắc phục hậu quả của thiên tai bão lũ, đảm bảo đời sống của nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trước những hậu quả nặng nề từ bão, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, bên cạnh liên tục có chỉ đạo các địa phương, phát động phong trào quyên góp, ủng hộ, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải có trách nhiệm tổ chức lực lượng chức năng hỗ trợ vật chất cần thiết; bảo đảm dựng lại nhà, sức khoẻ cho học sinh, khôi phục hệ thống giao thông, điện nước.

Theo báo cáo của Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến ngày 22/10, Chính phủ đã cấp xuất 11.500 tấn gạo và 500 tỷ đồng cho các địa phương. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp tổng giá trị 7.700 tỷ đồng.

Văn phòng Chính phủ cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa diễn ra, Thủ tướng đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sớm tổng hợp các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với các địa phương bị thiệt hại để sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là bảo đảm cung ứng giống rau, lúa; hỗ trợ lương thực không để dân bị đói, chuẩn bị vật tư, vật liệu; không để giá cả leo thang ở vùng lũ, nhất là đối với các vật liệu xây dựng như tôn, tấm lợp...; hỗ trợ những nhà sụp đổ, hư hỏng nặng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ các địa phương kịp thời; ngành Ngân hàng hoãn, giảm, xóa những khoản vay cho vùng thiệt hại; Bộ Công Thương bảo đảm phục hồi điện, bảo đảm ổn định giá cả.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng quân đội, công an, các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế tiếp tục cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm cho được những người bị mất tích đang bị đất đá chôn vùi, tiếp tục tìm kiếm trên biển các ngư dân bị mất liên lạc. Tiếp tục thực hiện các chính sách khắc phục hậu quả để trả lại cuộc sống bình thường cho nhân dân vùng lũ. 

Trước đó, trong chuyến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và trực tiêp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão, lũ ngày 24/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã  khẳng định các tỉnh miền Trung sẽ được tiếp tục bổ sung thêm nguồn lực.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các địa phương thường xuyên bị ngập lụt trong khu vực cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể với từng diễn biến, cấp độ mưa bão, lũ lụt; trong đó, cần chủ động di dời dân từ các vùng trọng điểm ngập lụt, vùng bị lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho dân trong những ngày di dời tránh trú.

Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước cần phải hỗ trợ để sản xuất của người dân trở lại bình thường. Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, cần phải gia tăng sản xuất, gấp đôi, gấp ba. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, đẩy mạnh sản xuất ở những vùng thiên tai..

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để chủ động nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, các địa phương cần có kế hoạch sớm, phân bổ ngân sách hợp lý; đồng thời đề xuất mức hỗ trợ phù hợp để Trung ương xem xét, triển khai kịp thời. Trên tinh thần chia sẻ với người dân các tỉnh bị ảnh hưởng ngập lụt nặng nề, các bộ, ngành liên quan trên cơ sở đề xuất của các địa phương tập trung phối hợp chặt chẽ, kịp thời để có phương án hỗ trợ hiệu quả, nhằm giúp nhân dân sớm ổn định sản xuất và đời sống.