Siết chặt và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách
Đó là yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019.
Theo đó, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của các bộ, ngành, địa phương là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công Thương, Tài chính và Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động tình hình trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác về công tác điều hành giá, thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu để tạo đồng thuận trong xã hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu đề ra; thực hiện các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; ngăn chặn, giảm thiểu tín dụng đen.
Chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; giám sát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua xe ô tô, thiết bị đắt tiền, khánh tiết, tổ chức hội nghị.
Đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, mở rộng thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử đối với các hộ và cá nhân kinh doanh tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án, đơn vị có sử dụng vốn lớn; nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao.