Bộ Tài chính:

Tìm nguyên nhân chính gây chậm trễ cho việc giải ngân vốn ODA


Tình hình giải ngân chậm đang là mối quan tâm của Việt Nam và các đối tác ngân hàng. Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc giải ngân chậm trễ, có nguyên nhân đến từ chính sách, có nguyên nhân đến từ thủ tục, có nguyên nhân đến từ việc giải ngân rút vốn, có nguyên nhân đến từ việc tổ chức thực hiện dự án…

Tình hình giải ngân chậm đang là mối quan tâm của Việt Nam và các đối tác ngân hàng.
Tình hình giải ngân chậm đang là mối quan tâm của Việt Nam và các đối tác ngân hàng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại tại buổi tọa đàm giữa Bộ Tài chính với 6 Ngân hàng phát triển về việc “Thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019” được tổ chức mới đây (ngày 14/6), hiện nay kế hoạch giải ngân vốn nước ngoài năm 2019 đang được giao gồm: Dự toán nguồn vốn đầu tư phát triển hiện có 60.000 tỷ đồng do Quốc hội có thẩm quyền giao.

Trong đó, nguồn vốn do Thủ tướng Chính phủ (TTCP) đã được giao là 28.637 tỷ đồng đồng, tương đương 60,4%, số tiền đã được phê duyệt trên TABMIS là 24.483 tỷ đồng, tương đương với 86% kế hoạch; phần của 6 ngân hàng phát triển được giao thẩm quyền giải ngân là 18.581 tỷ đồng.

Vốn chi thường xuyên do Quốc hội duyệt là 4.667 tỷ đồng, kế hoạch cho vay lại UBND cấp tỉnh được Quốc hội phê duyệt là 17.172 tỷ đồng. Về kế hoạch cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp do Bộ Tài chính báo cáo TTCP, TTCP chưa phê duyệt là 26.230 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, kết quả giải ngân vốn nước ngoài đã giải ngân cho đầu tư phát triển là 608 triệu USD, trong đó 6 ngân hàng phát triển đã giải ngân là 334 triệu USD; Giải ngân cho kế hoạch chi thường xuyên là 38 triệu USD; Giải ngân cho vay lại là 359 triệu USD, giải ngân từ 6 ngân hàng phát triển là 324 triệu USD; Duy có việc giải ngân cho hỗ trợ ngân sách là 115 triệu USD đã được 6 ngân hàng phát triển giải ngân toàn bộ là 115 triệu USD.

Bộ Tài chính tổ chức buổi tọa đàm với 6 nhà tài trợ lớn nhằm đánh giá tác động của các nguyên nhân để từ đó có giải pháp lâu dài cơ bản nhằm thống nhất các nguyên nhân chính gây chậm trễ cho việc giải ngân để đưa ra các giải pháp phù hợp”.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính).

Tại cuộc tọa đàm, các đơn vị trong Bộ Tài chính cùng 6 Ngân hàng phát triển đã bàn về các nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ giải ngân. Trong đó, các nguyên nhân chính vẫn là việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn vẫn chưa được hoàn thành cho dù chỉ còn 18 tháng nữa là hết thời hạn kế hoạch trung hạn bao gồm: 12 chương trình, dự án, trong đó 10 dự án thuộc nhóm 6 ngân hàng phát triển đã được ký kết với tổng vốn vay là 1.118,37 triệu USD; Toàn bộ các dự án đường sắt đô thị phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Một số kế hoạch vốn ngoài nước giao không phù hợp với hiệp định vay, khả năng thực hiện dự án; Cơ quan Trung ương/Sở Tài chính chậm nhập và phê duyệt/kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngoài nước trên TABMIS; Nhiều địa phương có nợ quá hạn trên 180 ngày với ngân sách nhà nước, dù đã ký Hợp đồng cho vay lại nhưng chưa đủ căn cứ để giải ngân…

Về phía nhà tài trợ thì thời gian phải xử lý cho việc giải ngân rút vốn trung bình khoảng 2 tuần; Thời gian lưu chuyển thư sang nước ngoài và Nhà tài trợ KFW xử lý trong nội bộ là khoảng 20 ngày.

Theo quy định của Nghị định số 120 về chuyển nguồn cần được hướng dẫn rõ hơn, năm 2018 là năm đầu tiên áp dụng chuyển nguồn nên việc giải ngân rút vốn có nhiều vướng mắc do chưa quen cơ chế mới. Các chủ dự án chậm báo cáo tất toán các khoản tạm ứng với nhà tài trợ và chậm làm thủ tục nên đã ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo và duyệt đơn rút vốn.

Tham dự tọa đàm lần này còn Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Phía 6 đối tác tham dự có bà Takahashi - Phó đại diện Văn phòng JICA tại Hà Nội, bà Virginia Bleitrach - Phó Giám đốc ngân hàng AFD tại Hà Nội, bà Simone Wunsch - Giám đốc Văn phòng ngân hàng KFW, ông Achim Fock - Phụ trách nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) , ông Eri Sidgwick - Giám đốc Quốc gia phát triển Ngân hàng châu Á (ADB), bà Kim Jae Hwa – Trưởng đại diện Kexim bank.