APEC 2017: Tìm hướng phát triển bền vững cho khu vực

PV.

Tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), trong 3 ngày làm việc vừa qua (từ ngày 21-23/2/2017) đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng, nhằm tìm hướng phát triển bền vững cho từng nền kinh tế thành viên và của cả khu vực. Những nội dung này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Toàn cảnh Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 diễn ra ngày 23/2/2017 tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa).
Toàn cảnh Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 diễn ra ngày 23/2/2017 tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa).

Từ các hội thảo bên lề

Trước khi Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 diễn ra, đã có 2 hội thảo bên lề bàn thảo về các nội dung quan trọng như:  “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”; “Triển khai chương trình hành động về Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) trong APEC”.

Tại Hội thảo Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai diễn ra ngày 21/2/2017, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tăng cường, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực giải quyết hậu quả rủi ro thiên tai và giảm thiểu gánh nặng chi ngân sách cũng như rủi ro đối với tài sản nhà nước...

Thông qua các nội dung thảo luận ở trên, các chuyên gia cũng đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện sáng kiến tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu sau 1 năm thực hiện, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

Đồng thời, các đại biểu đã thống nhất, trong số các giải pháp tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai, bảo hiểm là công cụ, giải pháp hữu hiệu không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, để phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai, các nền kinh tế thành viên APEC cần tăng cường cơ sở hạ tầng và giám sát thị trường bảo hiểm thông qua xây dựng một mô hình rủi ro thiên tai đánh giá được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất từ thiên tai, chuẩn hóa biểu mẫu cơ sở dữ liệu đơn bảo hiểm và tổn thất phát sinh.

Tiếp đến, tại Hội thảo triển khai chương trình hành động BEPS trong APEC diễn ra ngày 22/2/2017, các đại biểu đã thảo luận các cơ hội, thách thức và chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện các biện pháp thực thi về BEPS của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Trong đó, Hội thảo tập trung thảo luận chuyên sâu về các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS/diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS (IF) và Hiệp định đa phương (MLI).

Qua thảo luận và đi đến kết luận, các thành viên APEC đều nhận thức được tầm quan trọng của Xói mòn cơ sở thuế và Chuyển dịch lợi nhuận và các ảnh hưởng đối với sự công bằng và hiệu quả của hệ thống thuế quốc tế và các chính phủ trên thế giới. Đồng thời, đưa ra kế hoạch cho năm 2017 với những hành động cụ thể.

Như vậy, thông qua 2 hội thảo bên lề Hội nghị Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận, đánh giá đầy đủ, toàn diện và thống nhất nhận thức chung về các nội dung chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai; Triển khai thực hiện chương trình hành động BEPS trong APEC.

Các nội dung đã được thống nhất này tiếp tục được đề xuất và bàn luận tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 diễn ra trong 2 ngày (23-24/2/2017).

Đến Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương

Tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC diễn ra ngày 23/2/2017, 21 nền kinh tế thành viên APEC và đại diện cấp cao từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các đối tác quốc tế đều có chung nhận định:

(i) Tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực mặc dù có những dấu hiệu tích cực song đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tổng cầu tăng chậm, vấn đề năng suất lao động, bảo vệ môi trường, bất bình đẳng;

(ii) Phản ứng chính sách của các nền kinh tế trong khu vực có nhiều xu hướng khác nhau;

(iii) Nhu cầu hợp tác và phối hợp chính sách vĩ mô trong khu vực là đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tái cân bằng kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế trong khu vực, thúc đẩy thương mại, tham gia chuỗi giá trị gia tăng, tăng cường kết nối khu vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung quan trọng khác như: Triển khai Kế hoạch hành động Cebu; Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng. Qua đó, Hội nghị đã thống nhất đưa ra các giải pháp hợp tác thiết thực, hiệu quả để có cơ hội phát triển bền vững bao trùm trong cả khu vực cũng như ở mỗi nền kinh tế thành viên. 

Ngoài ra, tại Hội nghị các nền kinh tế thành viên (Australia, Nhật Bản và Indonesia) đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình hành động BEPS trong APEC, trong đó có Tiêu chuẩn tối thiểu BEPS.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà cho rằng: Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận xuất phát từ vấn đề đầu tư giữa các khu vực kinh tế và giữa các nền kinh tế. Đây là vấn đề quan trọng và liên quan đến các tổ chức xuyên quốc gia.

“Đối với Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, chúng ta cũng cần phải nhận thức được các rủi ro về thuế, để có các giải pháp tăng cường chính sách quản lý thuế cũng như tăng cường chính sách về tài khóa, đảm bảo cho việc phát triển bền vững và công khai, minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Một trong những nội dung quan trọng khác được các diễn giả, đại biểu thảo luận tại Hội nghị là vấn đề tài chính toàn diện.

Liên quan đến vấn đề này, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tại Việt Nam, tài chính toàn diện là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện thông qua việc tham gia tích cực vào nhiều chương trình, diễn đàn, hội nghị của quốc tế và khu vực liên quan đến tài chính toàn diện. Trong đó, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước với vai trò là chủ trì và phối hợp chặc chẽ với các, bộ, ban ngành để triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính toàn diện.

“21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao vai trò của Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực hợp tác hội nhập tài chính quốc tế. Đồng thời, triển khai tích cực nhiều giải pháp phát triển tài chính toàn diện”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.