Ba đòn bẩy để Việt Nam bảo vệ chủ quyền

HOÀNG CÔNG PHỤNG - Chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao Việt Nam

(Tài chính) Để buộc Trung Quốc phải dừng các hành động xâm phạm chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam, không chỉ đơn giản là “hòa hay đánh”. Cốt lõi là phải có chiến lược để Trung Quốc từ bỏ âm mưu lẫn chiến lược của mình. Trước tình hình hết sức phức tạp như hiện nay, nhất là trong thế giới thông tin dễ bị nhiễu loạn, Việt Nam cần tìm kiếm sự đồng thuận trong ứng xử trong nước lẫn quốc tế.

Dư luận trong nước và thế giới đang lên án mạnh mẽ việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nguồn: internet
Dư luận trong nước và thế giới đang lên án mạnh mẽ việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nguồn: internet

Bên trong đồng lòng, bên ngoài ủng hộ

Nhiều ý kiến đặt vấn đề nếu Trung Quốc vẫn cứ lấn tới, khiêu khích, đe dọa không ngừng thì liệu điều gì sẽ xảy ra. Theo tôi, chúng ta đang đấu tranh trên mặt trận ngoại giao một cách rất ôn hòa theo tinh thần chung của thế giới. Mặc dù vậy các kịch bản đã được chuẩn bị, ngay cả trong trường hợp xấu nhất. Nhưng cần hiểu rằng “trường hợp xấu nhất” có xảy ra thì với Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không có lợi, tổn thất là điều chắc chắn. Vậy nên quan trọng là phải kiểm soát và kiềm chế, tránh bị mắc bẫy khiêu khích của Trung Quốc. Quan trọng hơn nữa, Việt Nam phải tìm cách xoay chuyển tình thế khiến “nước mạnh” phải thay đổi chiến lược.

Muốn làm được điều đó, Việt Nam phải xây dựng ba đòn bẩy từ sự kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại: Đó là sức mạnh nội bộ quốc gia; sức mạnh dư luận quốc tế; và sức mạnh từ nội bộ đối phương. Cụ thể, thứ nhất, chúng ta phải mạnh lên, mạnh về cả kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật; và quan trọng hơn là mạnh về cả ý thức và sự đồng thuận chính trị nội bộ... Có sức mạnh thì khả năng bị chi phối bởi nước láng giềng sẽ thu hẹp lại. Thứ hai, phải tận dụng sức mạnh số đông để cân bằng lực lượng, mà chiến lược cốt yếu là thông qua cộng đồng quốc tế. Và thứ ba, tận dụng đòn bẩy từ dư luận của chính người dân Trung Quốc. Phải làm sao để người dân Trung Quốc biết được hành động mà chính phủ nước này đang làm là có hại đến uy tín, hình ảnh, lợi ích của người dân nước này.

Câu hỏi đặt ra là “bằng cách nào Việt Nam có thể tranh thủ dư luận người dân Trung Quốc để ủng hộ chúng ta như Việt Nam từng làm với người Mỹ mấy mươi năm trước?”. Theo tôi, đây là một bài toán không dễ. Trong chiến tranh chống Mỹ, chính nhờ người dân Mỹ biết rõ hành động và tham vọng của chính phủ Mỹ nên chúng ta đã có thể vận động, kêu gọi người dân Mỹ tham gia vào đấu tranh ủng hộ Việt Nam, bảo vệ chính nghĩa. Người dân Mỹ đã phản kháng, ủng hộ Việt Nam, yêu cầu chính quyền Richard Nixon rút quân, ký Hiệp định Paris...

Tuy nhiên, điều này sẽ khó trong trường hợp Trung Quốc. Trung Quốc thích “ăn hiếp” các nước nhỏ láng giềng nhưng lại tỏ ra thiếu minh bạch về chính sách đối ngoại, nói dối ngay cả với người dân nước họ. Việc thiếu minh bạch này khiến dư luận trong nước sẽ mù mờ và chính phủ nước này dễ dàng định hướng dư luận để phục vụ tham vọng của họ. Đó là trường hợp mà chúng ta đang phải xử lý, đấu tranh, đối phó. Hiện nay, rất nhiều bộ phận người Hoa (Việt Nam), thậm chí là dư luận Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã lên tiếng trước báo chí tỏ thái độ thất vọng trước hành động của Trung Quốc, kêu gọi nước này không xâm chiếm chủ quyền Việt Nam, tôn trọng hòa bình chung của khu vực.

Việt Nam không đơn độc trên biển Đông

Vậy còn dư luận thế giới, làm sao tranh thủ được tiếng nói của bạn bè quốc tế? Chúng ta đang rất quyết liệt đấu tranh, phơi bày sự thật rằng Trung Quốc đang đi ngược lại những quy định của luật quốc tế, đi ngược lại lợi ích của nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, vấn đề biển Đông không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề của quốc tế… Cần phải thấy rằng lần đầu tiên trong vòng hai thập niên qua, vấn đề biển Đông được thông qua trong tuyên bố chung của ASEAN đầu tháng 5/2014. Đó là thành công rất lớn, cho thấy ASEAN đã ý thức được nguy cơ về lợi ích quốc gia của họ và nguy cơ về một ASEAN bị chia rẽ.

Đó là chưa kể đến sự phản ứng khá mạnh mẽ của Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khi phê phán Trung Quốc đã quá khích trên biển Đông. Nhiều học giả Hong Kong (Trung Quốc) còn cho rằng Trung Quốc đang biến vùng biển yên ả này thành “nồi nước sôi”, trong khi nhiều chuyên gia tại Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc.

Phải nhớ rằng trong quan hệ quốc tế không có chuyện “tình cảm”, chỉ có lợi ích quốc gia là trên hết. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn, làm thế nào để các nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei… ý thức được “nếu không đoàn kết, không hành động thì họ sẽ là nạn nhân kế tiếp của các giàn khoan Trung Quốc”. Khi đa số các nước ý thức nguy cơ mất an ninh thì ASEAN hiển nhiên trở thành điểm tựa quan trọng và Việt Nam sẽ có chỗ dựa trong thế cân bằng lực lượng với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến các lợi ích trực tiếp, gián tiếp của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga… Đó là khi các tuyến giao thông đường biển có thể bị ùn tắc, tự do hàng hải bị khống chế, nếu một tiền lệ xấu như việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 được duy trì mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ quốc tế. Muốn vậy, cần quan tâm đầu tư đối với cộng đồng học giả có vai trò nghiên cứu, phổ biến các vấn đề nêu trên. Chúng ta phải cho quốc tế biết lập trường của chúng ta và những gì chúng ta đang làm thông qua Bộ Ngoại giao, các vị lãnh đạo, báo chí... Chúng ta phải nói thì thế giới mới biết chúng ta cần gì và họ có thể giúp gì.

Trung Quốc sẽ không dùng “con bài kinh tế” để đe dọa?

Xét trên cán cân thương mại, hiện nay kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, không vì thế mà Trung Quốc có thể dùng “con bài” kinh tế để mặc cả trong tranh chấp biển Đông. Còn nhớ khi Trung Quốc và Philippines căng thẳng tại bãi đá cạn Scarbarough, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có các rào cản kỹ thuật một số mặt hàng nông sản như chuối đối với Philippines.

Ngay lập tức, Philippines qua sang chơi trên sân mới với Nhật Bản và nhiều nước khác. Các phòng hợp tác thương mại tại Nhật nhanh chóng triển khai làm ăn, tư vấn, hỗ trợ Philippines phát triển kinh tế. Trong quý I/2014, tăng trưởng kinh tế Philippines gần như cao hàng đầu Đông Á. Đòn bẩy kinh tế không phải lúc nào cũng có lợi trong chính trị, đôi khi nó còn khiến “gậy ông đập lưng ông”.