Bản đồ 10 đoạn của Trung Quốc: Những đường đứt đoạn và sự mơ hồ có mục đích

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trung Quốc vừa xuất bản bản đồ lãnh thổ mới, với đường 10 đoạn ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả các vùng biển, đảo và bãi đá của các nước láng giềng trong khu vực. Tạp chí Diplomat vừa có bài phân tích, trong đó lý giải chiến thuật “chiến tranh bản đồ” mà Bắc Kinh đang áp dụng như một phần của cái gọi là Giấc mộng Trung Hoa.

Trung Quốc vừa xuất bản bản đồ lãnh thổ mới, với đường 10 đoạn ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông. Nguồn: Internet
Trung Quốc vừa xuất bản bản đồ lãnh thổ mới, với đường 10 đoạn ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông. Nguồn: Internet

Xét về mức độ nghiêm trọng của các hành động khiêu khích mà Trung Quốc liên tiếp đưa ra trong thời gian gần đây thì động thái mới này có vẻ chẳng thấm vào đâu nếu so với việc Bắc Kinh tuyên bố lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, hay đưa các giàn khoan dầu vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Bản đồ mới của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí xa hơn là Ấn Độ, đặc biệt quan ngại.

Nhà phân tích Harry Kazianis của Diplomat bình luận Trung Quốc đang khai mào chiến tranh bản đồ trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bằng việc xuất bản các tấm bản đồ, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy lý tưởng về chủ quyền lãnh thổ trên thực địa để sau đó củng cố bằng các hành động tương tự như việc thiết lập ADIZ, thăm dò tài nguyên trái phép trên vùng biển của nước khác và tuần tra bảo vệ bờ biển như tại Bãi cạn Scarborough của Philippines. Điều khiến cộng đồng quốc tế tò mò nhất là đường lưỡi bò gồm 9 hay 10 đoạn trên bản đồ mà Trung Quốc dùng để thể hiện chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Bắc Kinh có ý đồ khi sử dụng các đường đứt đoạn thay vì nối chúng thành một đường liền mạch.

Những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều đưa ra bản đồ khu vực của riêng mình. Tuyên bố chủ quyền mới nhất của Trung Quốc ở khu vực được ví với vạc dầu của châu Á này cho đến nay là tuyên bố bành trướng nhất và được minh chứng bằng 10 dấu gạch ngang, kế thừa từ các tấm bản đồ cũ và ngang ngược dưới thời chính quyền Tưởng Giới Thạch vào năm 1947. Các dấu gạch không liền mạch này nhằm tạo ra sự mơ hồ có tính toán.

Theo Bắc Kinh, các dấu gạch ngang trên bản đồ mới của Trung Quốc không thể hiện tuyên bố chủ quyền bất khả xâm phạm của nước này đối với khu vực nằm trong các dấu gạch ngang này, mà thực tế nó biểu thị cho phạm vi kiểm soát tối đa của Trung Quốc trong khu vực. Đây là một ẩn ý thường không mấy khi được lưu tâm đến trong các cuộc tranh cãi về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Bằng cách duy trì các đường đứt đoạn này, Bắc Kinh xem lập trường của mình đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển là có thể hòa giải và phần nào mở đường cho việc đàm phán song phương với những quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Các học giả Trung Quốc cho biết, trong một cuộc trao đổi theo kênh ngoại giao phi chính thức của Chính phủ diễn ra giữa các học giả phương Tây và Trung Quốc vào năm 2009, GS. Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông từng chỉ ra rằng, nếu quốc gia nào đưa ra tuyên bố chủ quyền mở rộng thềm lục địa nhưng sau đó rút lại tuyên bố này, thì một số khu vực nằm trong phạm vi các đường gạch ngang có thể được đưa vào khai thác chung (?)

Trong khi thực tế đã có nhiều đổi thay kể từ những giả định nêu trên đưa ra vào năm 2009, sự mơ hồ căn bản của các dấu gạch ngang khoanh vùng chủ quyền của Trung Quốc vẫn tồn tại. Mỹ đã phản đối các bản đồ đường 9 và 10 đoạn của Trung Quốc, cho rằng các tuyên bố chủ quyền như vậy không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) do chính Trung Quốc phê chuẩn vào năm 1996, trong đó sử dụng các số liệu lãnh thổ và thềm lục địa để làm cơ sở cho việc thiết lập EEZ. Trong khi đó, việc Trung Quốc tiếp tục sử dụng các dấu gạch ngang để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và tìm cách lập vùng ADIZ trên Biển Hoa Đông có thể gây phản tác dụng, khiến Bắc Kinh vô tình làm sáng tỏ sự mơ hồ về chủ quyền lãnh thổ của nước này mà chẳng mang lại lợi ích gì.

Với hiện trạng đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang áp dụng hiện này, không khó để tưởng tượng viễn cảnh Trung Quốc thành công trong việc giành giật chủ quyền trên Biển Đông nhờ sự kết hợp giữa chiến thuật cắt lát xúc xích (salami) và biện pháp ngoại giao song phương. Kết quả là Trung Quốc sẽ không kiểm soát toàn bộ khu vực được khoanh vùng bằng các dấu gạch ngang biểu thị trên bản đồ, nhưng sẽ vẫn chiếm được phần lớn diện tích Biển Đông. Phương pháp này cho phép Bắc Kinh thực sự giành chủ quyền phần lãnh thổ trên biển mà quốc gia này từng kiểm soát trong quá khứ, mà không đơn thuần dựa dẫm vào lịch sử (do đó càng khiến cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vô lý hơn bao giờ hết khi đối chiếu với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS).

Như vậy, việc Trung Quốc lựa chọn các đường đứt đoạn thay vì một đường liên tục để tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông là có mục đích thâm sâu. Và các đường 9 – 10 đoạn biểu thị trên bản đồ của Trung Quốc chắc chắn sẽ được Bắc Kinh sử dụng lâu dài.