Báo chí quốc tế tiếp tục lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Câu chuyện Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan HD – 981 vào vùng biển của Việt Nam, vẫn giữ nguyên tính nóng bỏng và thời sự khi tiếp tục được báo chí quốc tế đề cập tới, với các ý kiến vẫn hướng sự chỉ trích về phía các hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam tiến sâu vào khu vực lắp đặt giàn khoan Hải Dương - 981 thì các tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc áp sát và ngăn cản. Nguồn: tuoitre.vn
Tàu cảnh sát biển Việt Nam tiến sâu vào khu vực lắp đặt giàn khoan Hải Dương - 981 thì các tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc áp sát và ngăn cản. Nguồn: tuoitre.vn

Ngày 17/5, tờ Asia News Network có bài viết: “Cộng đồng quốc tế quan ngại về cuộc khủng hoảng trên Biển Đông”. Bài báo cho biết, cuối tuần qua, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định, tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc đã trái phép hạ đặt giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam.

Thông cáo báo chí của ông Natalegawa bày to quan ngại “đặc biệt và sâu sắc” trước những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoại trưởng Indonesia đặc biệt quan ngại trước nguy cơ hiện hữu các bên có thể đưa ra những tính toán sai lầm, có những hành động nguy hiểm khiến cho tình hình tiếp tục leo thang.

Ông Natalegawa cho rằng, quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã gây nên nhiều tổn hại và hiện chỉ có một giải pháp mà các bên có thể áp dụng đó là: Dàn xếp một cách hòa bình những quan hệ tranh chấp. “Mọi hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế, gồm cả việc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) đều không thể có chỗ đứng trong khu vực”, ông Natalegawa nêu rõ. Dựa trên tinh thần trên, đại diện ngoại giao Indonesia kêu gọi Việt Nam và Trung Quốc “kiềm chế tối đa”, tránh những hành động khiến tình hình tiếp tục gia tăng căng thẳng.

Cùng ngày, tờ Asia News Network cũng dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich phát biểu trước phóng viên rằng, Moscow mong muốn Việt Nam và Trung Quốc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thông qua con đường đàm phán, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan hành động kiềm chế.

Tờ báo trên dẫn chứng những thông tin cụ thể khẳng định, những nỗ lực đấu tranh vì chính nghĩa của Việt Nam đang ngày càng giành được sự ủng hộ đông đảo, rộng rãi từ phía các bạn bè quốc tế. Cụ thể, bài viết cho biết, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Tuyên bố của ông Sharma bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với việc huy động nhiều tàu và máy bay quân sự hộ tống tới khu vực này. Hành vi này của Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, những hành vi của Trung Quốc còn tác động nghiêm trọng đến quan hệ nhân dân, tình bằng hữu giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như đe dọa hòa bình, an ninh, hòa bình, quan hệ hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong cuộc đối thoại với Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy đang ở thăm Mỹ hồi tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tiếp tục bày tỏ lo ngại trước những hành vi đơn phương của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cũng vừa dẫn lời một quan chức Mỹ nhằm hướng những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ trước các hành động của Trung Quốc. Hãng tin này cho rằng, “lối hành xử của Trung Quốc” đã làm dấy lên những “câu hỏi cơ bản về ý đồ chiến lược dài hạn của chính quyền Bắc Kinh”. “Những hành động của Trung Quốc đang thử thách quan hệ Trung-Mỹ vì đã làm phát sinh những câu hỏi về khả năng hai nước có thể tiếp tục trở thành đối tác tại châu Á hay thậm chí là tiếp tục duy trì các mối quan hệ song phương hay không”, quan chức trên khẳng định.

The Sabah Times, ngày 17/5 có bài viết cho biết, cuối tuần qua, hàng trăm người Philippines và Việt Nam đã tuần hành ở thủ đô Philippines nhằm yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam. Những người tuần hành mang theo các biển hiệu nhằm thể hiện rõ sự ủng trước những nỗ lực chính đáng của Việt Nam nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc”.

Ông Janicee Buco – một đại diện Philippines tham gia cuộc tuần hành cuối tuần trước bày tỏ lo ngại: “Nếu họ (Chính phủ Trung Quốc) có thể làm vậy với Việt Nam thì cũng có thể hành xử tương tự với tất cả mọi nước khác”. Trong khi đó, nhiều người tham gia cuộc tuần này này cũng bày tỏ sự giận dữ trước động thái gần đây của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền tại phần lớn Biển Đông, gồm cả việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương -981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và làm dấy lên những vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc.

Báo “The Indian Express” số ra mới đây cũng đăng tải bài phân tích cho rằng, tân chính phủ Ấn Độ phải hành động nhiều hơn là chỉ bày tỏ mối lo ngại giống như chính phủ Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA), do đảng Quốc đại đứng đầu, từng tuyên bố trong tuần vừa qua về việc Trung Quốc trắng trợn sử dụng vũ lực chống lại Việt Nam trên Biển Đông.

Bài báo cho rằng, với vị trí là một nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Ấn Độ phải hiện đại hóa nhanh chóng lĩnh vực quốc phòng dọc biên giới đường tranh chấp kéo dài ở dãy núi Himalayas hùng vĩ. Ấn Độ cũng phải tăng cường sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao đối với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản – những nước đang phải chịu sự “diễu võ giương oai” của Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ. Chính phủ mới tại New Delhi phải làm sâu sắc quan hệ đối tác quân sự với tất cả các nước ASEAN, vốn chia sẻ những e ngại của Ấn Độ về sự “trỗi dậy” một cách không hòa bình của Trung Quốc.

Bài viết trên cho rằng, nếu Ấn Độ không đứng về phía các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc, thì dù sớm hay muộn, nước này cũng sẽ trở thành nạn nhân của những hành động xâm lược từ phía Bắc Kinh. Ấn Độ đã dàn xếp các vấn đề với Trung Quốc bằng sự thiếu nhiệt tình với các đối tác châu Á, vốn coi New Delhi như một đối trọng với Bắc Kinh. Rõ ràng rằng, Ấn Độ cần một khuôn mẫu mới để đối phó với sự quyết đoán của một Trung Quốc đang nổi lên. Và đó là điều Chính phủ mới tại Ấn Độ cần làm.

Tạp chí “The National Interest” của Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc, hôm 1/5 hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển của Việt Nam đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Việt Nam và làm dấy lên làn sóng lo ngại ở nhiều nước trong khu vực.

Bài báo nêu rõ, dù mục tiêu của Trung Quốc có là gì đi chăng nữa thì động thái triển khai giàn khoan thật sự đã gây ra những mối đe dọa cho các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam.