Bảo đảm dân chủ, an toàn, tiết kiệm và hướng tới Ngày hội của toàn dân

PV.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đến nay, việc triển khai công tác bầu cử ở các địa phương cơ bản bảo đảm dân chủ, an toàn, tiết kiệm và hướng tới Ngày hội của toàn dân ( 22/5).

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho hay, tính đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị tốt các phương tiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử, như in ấn tài liệu, văn bản hướng dẫn bầu cử; thẻ cử tri, biểu mẫu, khắc dấu, đóng hòm phiếu, trang trí khu vực bỏ phiếu và các phương tiện khác phục vụ cho công tác bầu cử.

Các địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của Luật bầu cử năm 2015 và phù hợp với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan Trung ương.

Ủy ban Nhân dân các cấp theo thẩm quyền đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương theo đúng thành phần, số lượng đã được quy định trong Luật bầu cử, với 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, 712 Ủy ban bầu cử cấp huyện và 11.162 Ủy ban bầu cử cấp xã; thành lập 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và 1.096 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, 6.721 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 79.988 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, 91.221 Tổ bầu cử.

Căn cứ các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội là 184 đơn vị và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu là 500 đại biểu.
Chính quyền địa phương các cấp đã căn cứ quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và dân số tính đến ngày 31-12-2015 để xác định số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân của cấp mình. Cụ thể có 87.805 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được bầu là 3.918 đại biểu; cấp huyện là 24.993 đại biểu và cấp xã là 294.055 đại biểu.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, căn cứ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 870 người/500 đại biểu được bầu, đạt số dư là 1,74 lần.
Tổng số người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là 6.528 người/3.918 đại biểu được bầu, đạt số dư là 1,67 lần. Tổng số người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện là 41.777 người/24.993 đại biểu được bầu, đạt số dư là 1,67 lần. Tổng số người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã là 497.312 người/294.055 đại biểu được bầu, đạt số dư là 1,69 lần.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử, một số địa phương còn lúng túng trong việc giải quyết các trường hợp như xác định đơn tố cáo là đúng, sinh con thứ 3, có đơn xin rút…
Trong công tác vận động bầu cử, nhìn chung các địa phương triển khai đúng quy định. Tuy nhiên, điều khiến một số địa phương băn khoăn, phản ánh, đó là việc niêm yết tiểu sử người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được in hoặc scan màu trong khi ở cấp huyện, cấp xã, do ngân sách hạn hẹp nên ảnh và tiểu sử người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, xã, phường thường chỉ photocopy đã tạo sự phân biệt giữa những người ứng cử.
Tổng hợp của Bộ Nội vụ cho thấy, đến nay, các địa phương đã thực hiện xong việc lập và niêm yết danh sách cử tri. Hiện, các địa phương đang tập trung rà soát lại việc lập danh sách cử tri, đặc biệt là những cử tri làm việc trong các khu công nghiệp, cử tri trong trại tạm giam, cơ sở giáo dục…; cử tri di cư tự do, cử tri là các thành phần tôn giáo, dân tộc ít người; giải quyết những khiếu nại, tố cáo về việc lập danh sách cử tri để kịp thời sửa chữa, bổ sung bảo đảm cho việc lập danh sách cử tri được thực hiện đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật.
Công tác tiếp nhận và xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các địa phương đã giải quyết cơ bản xong đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử.
Để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn cho cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, các lực lượng vũ trang ở địa phương đã chuẩn bị và có kế hoạch cụ thể, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các ‘‘điểm nóng’’ có thể xảy ra trên địa bàn; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động, tăng cường kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Cơ quan chức năng đã chủ động tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng, an ninh truyền thông; quản lý chặt chẽ các hoạt động báo chí, xuất bản, định hướng tuyên truyền về bầu cử; đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, phòng chống các hoạt động xuyên tạc, các luận điểm sai trái, vu cáo của các tổ chức phản động liên quan đến bầu cử.