Bế mạc Đại hội đồng IPU-132: Thành công tốt đẹp!

Tuệ Lâm

(Tài chính) Chiều ngày 1/4/2015, tại Hà Nội, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã bế mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ bế mạc.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ bế mạc.
Tham dự và điều hành lễ bế mạc có Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury; Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng; Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungong, cùng đông đảo lãnh đạo nghị viện, nghị sỹ các nước tham dự IPU-132.

Thông qua Tuyên bố Hà Nội
Tại Lễ bế mạc, Chủ tịch IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố thông qua Nghị quyết của Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình và an ninh thế giới;” Nghị quyết của Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại “Định hình cơ thế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện trong vấn đề nước và vệ sinh;” Nghị quyết của Ủy ban thường trực về Dân chủ, Nhân quyền “Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia: Không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền.”

Cùng với đó, các đại biểu tham dự Lễ bế mạc đã được nghe một số báo cáo khác của Ủy ban Thường trực về Dân chủ, Nhân quyền; Ủy ban thường trực về các vấn đề của Liên hợp quốc; nghe báo cáo về chuyến đi thực địa đến làng UNICEF ở Hà Nội, trong đó các nghị sỹ từ 16 quốc gia đã đi thăm bốn trung tâm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Các đại biểu được xem đoạn phóng sự ngắn giới thiệu về chuyến thăm và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, công tác chăm sóc y tế và dinh dưỡng tại các cộng đồng dưới sự giúp đỡ của UNICEF. Đoạn video kết thúc bằng lời kêu gọi các nghị viện và nghị sỹ tăng cường giúp đỡ chăm sóc và đảm bảo quyền cơ bản của bà mẹ, trẻ em.

Tiếp đó, Đại hội đồng nghe các báo cáo về việc đề cử báo cáo viên phục vụ Đại hội đồng IPU-133 tại Geneva.

Đặc biệt, tại Lễ bế mạc IPU-132, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố thông qua Tuyên bố Hà Nội - Văn kiện chính thức của IPU-132.

Lời nói đầu của Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng ta, nghị sỹ đến từ 133 nước và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực, tề tựu tại Hà Nội, Việt Nam đã xem xét lại các mục tiêu phát triển bền vững đang nổi lên và xem xét vai trò của mình để đạt được các mục tiêu này. Đây là Tuyên bố của chúng ta”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ, y tế, tri thức và của cải vật chất, nhưng sự chênh lệch đã tồn tại từ rất lâu về kinh tế và xã hội vẫn đang ngày càng tăng, gây tổn hại cho toàn bộ hành tinh, nhiều nước trên thế giới chưa được hưởng thành quả của sự phát triển."

Tuyên bố nêu rõ: “Kinh nghiệm trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho thấy chỉ với ý chí chính trị, sự lãnh đạo mạnh mẽ và vai trò làm chủ của quốc gia mới có thể đạt được những cam kết quốc tế. Là nghị sỹ, chúng ta có nghĩa vụ phải hành động."

Việc thông qua chương trình phát triển mới giai đoạn sau 2015 và những mục tiêu phát triển bền vững vào tháng 9/2015 này sẽ đem lại cơ hội có một không hai để ứng phó với các thách thức toàn cầu, sử dụng cách tiếp cận phổ cập và toàn diện áp dụng cho tất cả các quốc gia và gắn vấn đề xóa đói nghèo với phát triển bền vững.

Tuyên bố khẳng định lại tầm nhìn về sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người, nhằm xóa nghèo dưới mọi hình thức, và xóa bỏ bất bình đẳng, từ đó trao quyền cho mỗi cá nhân phát huy được hết tiềm năng của họ. Điều này đòi hỏi phải có hòa bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tuyên bố cho biết, cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm đòi hỏi phải có công bằng trong lĩnh vực môi trường: Hành tinh và tất cả hệ sinh thái phải được xem là tài sản chung của toàn thể nhân loại hiện nay và trong tương lai. Con người phải là động lực cho tất cả các chính sách phát triển bền vững, và các tiến bộ cần được đánh giá không chỉ bằng GDP mà còn các biện pháp khác...

Đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo của Việt Nam

Đại diện 5 nhóm địa chính trị gồm Nhóm châu Phi; Nhóm Arab; Nhóm châu Á-Thái Bình Dương; Nhóm Mỹ Latinh và Caribe; Nhóm 12+ đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn về công tác chuẩn bị chu đáo và sự đón tiếp nồng hậu mà Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho các đại biểu tham dự IPU-132.

Các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị và tham gia thảo luận của Quốc hội Việt Nam vào các chủ đề và nội dung trong chương trình nghị sự IPU-132; cùng với Đoàn đại biểu các nước góp phần vào thành công chung của IPU-132.

Phát biểu bế mạc, thay mặt Liên minh Nghị viện Thế giới, Chủ tịch Saber Chowdhury bày tỏ cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc chuẩn bị, đón tiếp Đoàn đại biểu nghị sỹ các nước về tham dự IPU-132.

Điểm lại ý tưởng ban đầu của Quốc hội Việt Nam đề xuất về chủ đề của Đại hội đồng IPU-132 lần này, ông Saber Chowdhury cho rằng món quà vinh danh Việt Nam chính là hành động thực thi Tuyên bố Hà Nội, cũng như các nghị quyết mà Đại hội đồng đã thông qua…

Phát biểu tại Lễ bế mạc Đại hội đồng IPU-132, gửi lời chào đoàn kết hợp tác và đầy thân ái, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh sau 5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đồng IPU-132 đã thành công tốt đẹp. Những kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng đã được thể hiện qua Tuyên bố Hà Nội - một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đang xây dựng cho đến năm 2030.

Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015; là cơ sở cho việc đề xuất phương hướng và trách nhiệm của các nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững mới, góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, tăng cường hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, các nghị viện và thúc đẩy bước phát triển mới của cộng đồng quốc tế giai đoạn sau 2015./.