Biển Đông dưới góc nhìn kinh tế học: Tạo ra trạng thái cân bằng có lợi

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Bài học nghiệm ra từ việc áp dụng Binh pháp Tôn Tử, lý thuyết trò chơi trong kinh tế học và vấn đề cải cách thể chế vào các diễn biến trên biển Đông xem ra lại là một chuỗi các kết nối rất logic với nhau và qua đó cho thấy một số giải pháp đang ẩn sâu trong thể chế nhà nước và sự hợp tác.

Biển Đông dưới góc nhìn kinh tế học: Tạo ra trạng thái cân bằng có lợi
Diễn biến trên biển Đông xem ra lại là một chuỗi các kết nối rất logic với nhau. Nguồn: internet

Nhiều người thường ngộ nhận câu nói của Binh pháp Tôn Tử (là sản phẩm của người Trung Hoa, nên chúng ta phải biết thực sự người Trung Hoa đang nghĩ gì) là “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” nhưng thực ra đây là một cách hiểu chưa đầy đủ! Binh pháp Tôn Tử không nói vậy mà chính xác là "Biết địch biết ta trăm trận không nguy".

Tại sao lại có sự khác biệt này? Theo cách hiểu thứ nhất, nếu chúng ta “biết địch”, “biết ta” và đối thủ của chúng ta cũng “biết địch”, “biết ta” thì cả hai bên đều thắng? Vậy ai bại đây? Thực ra câu nói thứ hai mới thực sự đầy đủ và đúng khi cả hai bên đều “biết địch”, “biết ta” thì sẽ chẳng có bên nào thắng, mà chỉ duy trì thế cân bằng trong cuộc chiến mà thôi. Tuy nhiên khi một trong hai bên mắc sai lầm (tức là “không biết địch” hoặc “không biết ta” ) thì bên kia sẽ “thắng” và cuộc chiến bây giờ sẽ chuyển sang một thế cân bằng mới có lợi cho “bên thắng”.

Cái này nếu giải thích theo lý thuyết trò chơi trong kinh tế học thì chúng ta sẽ hiểu rằng khi cả hai bên đều có hiểu biết đầy đủ về chiến lược của đối thủ và của chúng ta thì cuộc chơi sẽ tiến đến một trạng thái cân bằng bền vững (không nguy). Tuy nhiên khi một trong hai bên mắc sai lầm về mặt chiến lược thì trạng thái cân bằng cũ sẽ bị phá vỡ và trạng thái cân bằng mới được thiệt lập nơi mà đối thủ sẽ có lợi hơn (có bên thắng, có bên thua).

Quan sát cách mà người Trung Hoa họ làm ở biển Đông thì có vẻ họ rất "biết địch, biết ta", còn cách mà ta một số người dân chúng ta phản ứng lại thì có vẻ chúng ta "biết ta”, mà "chưa biết địch". Đây cũng là lẽ thông thường khi chúng ta nhìn thấy bối cục trên biển Đông ngày càng xấu đi cho phía ta (hay nói cách khác là trạng thái cân bằng đang dần chuyển dịch sang những vị thế xấu hơn cho phía ta).

Quay lại nhìn những vấn đề trên biển Đông dưới góc nhìn của thuyết trò chơi.

Về tương quan giữa Trung Quốc và Việt Nam: Lịch sử cho thấy ngay dưới thời lập quốc, người Trung Hoa đã mang mộng bá chủ thế giới và đã nung nấu một chủ nghĩa dân tộc cực đoan hàng thế kỷ. Đây là lúc kinh tế, quân sự của Trung Quốc đạt được sự chín muồi để thực hiện giấc mộng bá quyền.

Về kinh tế: vào năm 1999, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc bằng người Việt Nam, nhưng đến năm 2014 mức thu nhập của họ đã gấp 3 lần của ta. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong khi Việt Nam vẫn là nền kinh tế yếu ở Đông Nam Á.

Về quân sự: một khi kinh tế vượt trội sẽ kéo theo khả năng mua sắm thiết bị quân sự cao hơn. Mình mua được một tàu ngầm thì Trung Quốc có thể mua được mười, một trăm hoặc hơn nữa. Tiềm lực quân sự của Trung Quốc có thể nói là vượt trội so với chúng ta.

Tuy nhiên, có các yếu tố tạo ra thế cân bằng hiện nay (không nguy) và kiến tạo ra một thế cân bằng mới có lợi cho ta (thắng). Đó là chưa tính đến những nhân tố quan trọng khác trong bối cảnh lý thuyết trò chơi trên biển Đông, chẳng hạn như nước Mỹ, nước Nga và một lực lượng thứ ba thường xuất hiện mỗi khi lẽ phải và luật pháp quốc tế bị chà đạp.

Thứ nhất, hãy coi đây là cơ hội để thay đổi nhằm phát huy được năng lực nội tại của toàn dân từ đó tạo ra một thế cân bằng mới cho quốc gia.

Lúc này đây, nhân dân, Quốc hội và Chính phủ phải cùng xem đây là cơ hội để cải thiện môi trường thể chế (trong đó có cải cách hệ thống luật pháp) theo hướng cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để phát huy hết sức mạnh của toàn dân.

Thứ hai, doanh nhân phải là những chiến sĩ tiên phong trong mặt trận kinh tế. Chỉ có thắng trên mặt trận kinh tế thì chúng ta mới có thể chiến thắng trên biển. Kinh tế tương đối so với Trung Quốc càng kém đi, bối cảnh chiến lược biển Đông cũng sẽ xấu dần đi cho đến khi chúng ta mất tất cả.

Sẽ không bao giờ thắng trên mặt trận kinh tế nếu Việt Nam không có những doanh nhân giỏi. Động lực làm giàu của mỗi người dân sẽ giúp nước ta có những doanh nhân giỏi, có thể cạnh tranh được với doanh nhân Trung Quốc và thế giới.

Thứ ba, hãy liên kết với lực lượng thứ ba lại thành một khối. Chúng ta phải nói cho bạn bè trên thế giới (bao gồm cả những người Trung Quốc yêu chuộng hòa bình) về lẽ phải và phải để họ hiểu được những đe dọa chung trước một “giấc mộng Trung Hoa” bành trướng. Mộng bá quyền của những kẻ bành trướng sẽ là cơ hội để những nước cùng chung hiểm họa ngồi lại với nhau.

Thứ tư, quan trọng nhất là phải lấy dân làm gốc. Sinh mạng của người dân là thiêng liêng. Chúng ta yêu hòa bình và sẽ bằng mọi cách tránh chiến tranh nếu chúng ta còn có lựa chọn khác để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên khi không còn sự lựa chọn nào khác mà chúng ta phải chiến đấu, thì hãy học hỏi cách mà ông cha ta đã làm. Ngày xưa giặc Mông Nguyên chiếm cả thế giới nhưng đều bại trận cả ba lần khi sang xâm chiếm Việt Nam. Trong chiến tranh, không phải cứ mạnh là thắng mà còn là sự sáng tạo của một dân tộc biết bảo vệ lẽ phải, dân tộc đó sẽ thắng. Chúng ta có Điện Biên Phủ ở trên đất, Điện Biên Phủ trên không, sao lại không làm được một Điện Biên Phủ trên biển?