Biển Đông và sự mâu thuẫn chiến lược của Trung Quốc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trang The National Interest số ra ngày 19/5 đã đăng bài phân tích chiến lược pháp lý của Trung Quốc trên biển Đông, theo đó, Bắc Kinh tìm cách duy trì một chiến lược mơ hồ và câu giờ nhằm vừa bảo đảm mục tiêu duy trì môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, vừa ngấm ngầm thúc đẩy những tham vọng bành trướng.

Từ 60 năm nay, biển Đông trở thành tâm điểm địa chính trị của khu vực với tuyên bố chủ quyền của 6 nước và vùng lãnh thổ gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Đài Loan. Trong số đó, Trung Quốc là nước lớn nhất và hùng mạnh nhất, với nhiều yêu sách nhất. Chiến lược của Trung Quốc rất phức tạp, được định hình bởi tham vọng vừa duy trì môi trường ổn định để phát triển, vừa thực thi các yêu sách bành trướng của mình. Thế lưỡng nan này buộc Trung Quốc theo đuổi chiến lược trì hoãn việc giải quyết tranh chấp, nhưng chiến lược này ngày càng trở nên thất thế trong những năm gần đây. 

Những lợi ích chiến lược mâu thuẫn nhau của Trung Quốc

Biển Đông và sự mâu thuẫn chiến lược của Trung Quốc - Ảnh 1                             Nguồn: UNCLOS

 
Để hiểu được thế khó của Trung Quốc, cần xem xét các lợi ích chiến lược mâu thuẫn nhau của nước này. Như đã biết, các con số thống kê cho thấy đà tăng trưởng đáng ngạc nhiên của Trung Quốc trong 35 năm qua, và Trung Quốc rất muốn giữ đà tăng trưởng thần kỳ. Muốn vậy, Trung Quốc buộc phải tồn tại trong mối quan hệ phụ thuộc giữa các quốc gia, phải duy trì một môi trường hòa bình, ổn định. Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc không can dự vào một xung đột nào đó, kinh tế, thương mại quốc tế của nước này vẫn bị tác động xấu. Hơn nữa, bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào ở Đông Nam Á cũng là cái cớ cho sự hiện diện quân sự của Mỹ, điều sẽ đe dọa tới địa vị thống trị của Trung Quốc trong khu vực.

Vì vậy, để giữ tăng trưởng, Trung Quốc cần một châu Á hòa bình và ổn định, mà như các nhà lãnh đạo Trung Quốc thích sử dụng cụm từ “trỗi dậy hòa bình” hay “phát triển hòa bình” để chỉ sự vươn lên của họ. Trung Quốc cũng thực hiện chiến lược này qua việc giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, theo đuổi ngoại giao khéo léo, tích cực tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc lại mâu thuẫn với mục tiêu trước mắt, đó là thôn tính biển Đông, làm ông chủ không chối cãi ở đây. Lý do để Trung Quốc muốn kiểm soát vùng biển này liên quan đến các lợi ích về an ninh hàng hải, năng lượng, tài nguyên biển. Không những thế, các lợi ích chiến lược này còn gắn với chủ nghĩa dân tộc mạnh đến nỗi nếu giả sử lãnh đạo Trung Quốc muốn nhượng bộ trong các vấn đề về biển Đông, họ cũng sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội trong nước.

Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan đó, Bắc Kinh thực hiện chiến lược trì hoãn, tức là duy trì mức kiểm soát vừa đủ để không làm tổn hại các yêu sách của mình, kiểm soát không quá chặt để không làm các bên khác lo ngại. Hơn nữa, chiến lược trì hoãn cũng có lợi cho việc củng cố quyền lực và phát triển lâu dài của Trung Quốc. Họ không việc gì phải giải quyết tranh chấp ngay lập tức khi vị thế thương lượng họ ngày càng tăng.

Chiến lược câu giờ

Chiến lược trì hoãn thể hiện rõ nhất qua chiến lược pháp lý đầy mơ hồ của Trung Quốc ở biển Đông, được thiết kế một cách kỹ lưỡng với các yêu sách về nội dung và chiến thuật thương lượng. Cho đến nay, vẫn chưa rõ phạm vi yêu sách của Trung Quốc. Với việc đưa ra đường chín đoạn bao trùm hầu như toàn bộ biển Đông, có vẻ như Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo nằm trong phạm vi của đường chín đoạn, một bước để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển nằm trong đó. Nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Rất nhiều chuyên gia trên thế giới phê phán và phản đối yêu sách của Trung Quốc về đường chín đoạn. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ giải thích chính thức về đường chín đoạn bởi duy trì sự mơ hồ là chiến lược của họ.

Sự mơ hồ mang tính chiến lược của đường chín đoạn giúp Trung Quốc duy trì sự linh hoạt trong dài hạn, đồng thời tránh cho nước này phải tốn công sức và chi phí ngắn hạn để bảo vệ các yêu sách thiếu thực tế. Chiến lược trì hoãn này cũng chi phối chiến thuật thương lượng của Trung Quốc. Trước hết, Bắc Kinh làm mọi cách để tránh giải quyết tranh chấp. Họ luôn giở giọng gác tranh chấp, cùng khai thác. Bằng cách đó, Trung Quốc đạt được nhiều mục tiêu một lúc: giữ gìn hòa bình khu vực, khai thác các nguồn tài nguyên biển, duy trì các yêu sách chủ quyền. Thứ hai, Trung Quốc né tránh quốc tế hóa tranh chấp, tập trung đàm phán song phương với từng nước nhằm phát huy tối đa thế mạnh của nước lớn, và quan trọng hơn, kiểm soát diễn tiến của cuộc thương lượng.

Một chiến lược không còn phù hợp

Từ giữa những năm 2000, các bên đòi chủ quyền ở biển Đông, nhất là Philippines và Việt Nam nhận thấy họ sẽ bị thiệt nếu cứ để Trung Quốc dẫn dắt theo chiến lược câu giờ của họ. Và các nước này đã thay đổi luật chơi bằng cách thúc đẩy quốc tế hóa xung đột, chủ động hơn trong việc gây sức ép lên Trung Quốc, đẩy Bắc Kinh vào thế buộc phải chọn lựa giữa hai mục tiêu chiến lược: hoặc là duy trì môi trường hòa bình để tăng trưởng, hoặc phải giải quyết dứt điểm vấn đề biển đảo.

Để ứng phó với những đòi hỏi rõ ràng của Philippines và Việt Nam, Trung Quốc thực hiện chiến lược hai lớp. Lớp thứ nhất nhấn mạnh sự áp đặt phi quân sự, mà việc sử dụng các loại tàu biển sơn trắng dân sự là ví dụ điển hình để làm những việc như bắt giữ ngư dân, cắt cáp các tàu thăm dò nước khác… Lớp thứ hai chú trọng củng cố hải quân để ngăn ngừa, đe dọa, chứ không hẳn để trực tiếp tham gia xung đột. Một lần nữa, hai lớp này nhằm dung hòa các lợi ích chiến lược với nhau là bảo vệ các yêu sách bành trướng lãnh thổ trước mắt bằng các lực lượng chấp pháp dân sự, ngăn ngừa các nước khác làm tổn hại tới môi trường phát triển kinh tế của họ. 

Tuy nhiên, trong vụ bãi cạn Scarborough, sau hai tháng đụng độ, nhân lúc Philippines rời khỏi đảo theo thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, Trung Quốc ngấm ngầm phá vỡ cam kết, cho tàu đổ bộ chiếm đảo và cử tàu hải quân tuần tra giữ đảo từ đó đến nay. Như vậy, Trung Quốc đã không giữ được sự dung hòa nói trên, khiến công luận trong khu vực phẫn nộ. Tháng 1/2013, Philippines bắt đầu quy trình khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế theo quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, ngay cả khi Tòa phán quyết có lợi cho Manila, phán quyết đó vẫn ít có ý nghĩa trên thực tế, vì đó là phán quyết không mang tính bắt buộc. Trung Quốc có thể phủ nhận phán quyết, chờ cho những chỉ trích quốc tế dịu xuống. Mặc dù vậy, Trung Quốc ngay từ đầu đã cố gắng ngăn cản vụ kiện này, nhưng không thành công. Đến tháng 1/2014, Trung Quốc buộc phải nhượng bộ đến mức đề nghị Philippines không nộp bản ghi nhớ cho Tòa, đổi lại, Trung Quốc sẽ rút tàu ra khỏi bãi cạn. Mặc dù lời đề nghị này đáng ngờ, nhưng nếu đó là thật, nó rất khác thường, bởi lẽ Trung Quốc chấp nhận từ bỏ kiểm soát đối với lãnh thổ chiếm đóng chỉ vì muốn tránh tiếng xấu. Trung Quốc có thể thắng trong một trận đấu, nhưng thua cả cuộc chiến, vì Manila đã tìm ra gót chân Achilles của họ, một thứ Trung Quốc coi trọng hơn cả vấn đề lãnh thổ - uy tín. Uy tín gắn liền với chiến lược phát triển lâu dài của Trung Quốc, theo đó nước này không thể mang tiếng xấu là bất chấp luật pháp quốc tế.

Bước ngoặt ở bãi đá cạn Scarborough cho thấy hạn chế của chiến lược mới mà Trung Quốc áp dụng, họ vẫn ở thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai lợi ích chiến lược. Tệ hơn nữa, tình thế của Trung Quốc không được cải thiện, vì hết xung đột này đến xung đột khác với các nước trong khu vực. Có thể là Trung Quốc đành phải chọn một trong hai phương án hoàn toàn không chấp nhận được: hoặc leo thang thành xung đột hải quân công khai và ngắm nhìn khu vực bất ổn; hoặc nhượng bộ lãnh thổ quý giá về mặt chiến lược như Scarborough và đối mặt với bất ổn trong nước. Trung Quốc làm mọi cách để trì hoãn lựa chọn, nhưng sớm hay muộn họ cũng phải quyết định về việc này.