Biến họa thành phúc trước âm mưu của Trung Quốc

Theo tienphong.vn

(Tài chính) Trong họa có phúc, trong nguy có cơ, chúng ta cần nhận rõ những mặt yếu kém, hạn chế của chúng ta để tích cực, chủ động có phương án phòng tránh tình huống xấu nhất.

Trung Quốc đã bộc lộ rõ dã tâm bành trướng và xâm lược. Nguồn: internet
Trung Quốc đã bộc lộ rõ dã tâm bành trướng và xâm lược. Nguồn: internet

Bằng hành động xâm lược được chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động số đông tàu hải cảnh, tàu quân sự, máy bay, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam, liên tục tấn công tàu thực thi pháp luật và tàu đánh cá của Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, liên tục vu khống, đe dọa Việt Nam, Trung Quốc đã bộc lộ rõ dã tâm bành trướng và xâm lược. Không thể loại trừ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những bước leo thang mới để gây sức ép với nước ta.

Trong quan hệ kinh tế, nước ta đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Năm 2013, theo số liệu thống kê của Việt Nam, ta xuất sang Trung Quốc 13 tỷ 320 triệu USD bằng 10% tổng xuất khẩu của nước ta, chủ yếu là nguyên liệu thô như than đá, quặng các loại, mủ cao su, nông lâm thủy hải sản, trong đó có số lượng không ít qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng ký kết trước với điều kiện giao hàng rõ ràng.

Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc gần 37 tỷ USD bằng gần 30% tổng nhập khẩu của Việt Nam nhưng chỉ bằng 1% xuất khẩu của Trung Quốc.

Những số liệu của Trung Quốc công bố còn cao hơn số liệu của nước ta. Đặc biệt, ngành dệt - may và da - giày của nước ta nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 50% số phụ liệu cần thiết để gia công, chế biến thành các mặt hàng xuất khẩu.

Hãng Samsung xuất khẩu 23,3 tỷ USD điện thoại di động thông minh Galaxy nhưng phải nhập khẩu toàn bộ vi mạch và linh kiện từ Samsung Trung Quốc với tổng giá trị lên đến 21,3 tỷ USD.

Trung Quốc cũng nhập khẩu đến gần 80% lượng cao su và 40% gạo xuất khẩu của nước ta. 23/24 nhà máy xi măng đang xây dựng do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận tổng thầu, chìa khóa trao tay.

Tương tự như vậy, 90% nhà máy điện chạy than của nước ta do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, đưa từ Trung Quốc sang từ cái đinh vít, không cho các nhà máy nước ta cung ứng bất kỳ chi tiết gì.

Vừa qua, Trung Quốc đã rút về nước phần lớn công nhân Trung Quốc từ các công trình họ đảm nhận, để lại các công trình dở dang, chậm tiến độ có vốn đầu tư nhiều tỷ USD.

Trong họa có phúc, trong nguy có cơ, chúng ta cần nhận rõ những mặt yếu kém, hạn chế của chúng ta để tích cực, chủ động có phương án phòng tránh tình huống xấu nhất.

Trước tình hình khẩn trương hiện nay, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động có phương án phòng ngừa và đối phó. Các doanh nghiệp cần có dự trữ gối đầu nguyên vật liệu an toàn để bảo đảm sản xuất trong thời hạn nhất định, khoảng 3 tháng. Đồng thời, cần chủ động tìm đối tác thay thế nếu phía Trung Quốc có biện pháp đình hoãn xuất khẩu.

Về lâu dài, phù hợp với yêu cầu xuất xứ hàng hóa của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cần kêu gọi đầu tư, nâng cao mức nội địa hóa của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Thực chất, đó là một bước tiến quan trọng từ trạng thái lắp ráp, gia công với hàm lượng nội địa rất thấp sang nấc thang cao hơn với giá trị gia tăng cao hơn, trình độ tay nghề và mức lương cũng cao hơn.

Cần học tập kinh nghiệm của hãng xe máy Honda đã thành công trong việc nâng hàm lượng nội địa hóa lên trên 90%, xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực trong khi các hãng ô tô vẫn chỉ lắp ráp với hàm lượng nội địa hóa chỉ khoảng 12%.

Các cơ quan nhà nước cần điều chỉnh chính sách, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp dân doanh phát triển công nghiệp và dịch vụ trợ giúp như nhựa, cơ khí, bao bì... Các cơ quan và chính quyền địa phương ở biên giới cần vận động quần chúng và nỗ lực kiểm soát buôn lậu qua biên giới, đánh trúng vào đầu nậu chứ không chỉ bắt người nghèo chở thuê hàng lậu như hiện nay.

Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, tổ chức tốt hơn công tác phân phối, đưa hàng về tận nông thôn, đến tay người tiêu dùng.

Đây cũng là cơ hội để các cơ quan nhà nước cải cách mạnh mẽ thể chế, giảm rõ rệt chi phí về thời gian và tiền bạc như phí chung chi vận tải, phí bốc xếp ở bến cảng, lót tay cho hải quan, thuế mà doanh nghiệp đã thẳng thắn báo cáo trong cuộc gặp với Thủ tướng trong tháng trước.

Về lâu dài, chúng ta chân thành hy vọng sẽ xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi và giảm bớt sự phụ thuộc hoàn toàn bất lợi và bất đối xứng vào Trung Quốc.

Làm được như vậy là biến họa thành phúc, biến nguy thành cơ hội và nước ta sẽ mạnh lên.