Bộ sưu tập “Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam”

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Trên 200 bức ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu được chọn lọc trong số rất nhiều hiện vật, tư liệu, tài liệu quý về nhà báo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh được sưu tầm trong thời gian vừa qua đã được giới thiệu và trưng bày tại. Triển lãm chuyên đề “Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Triển lãm do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 18/5.

Đây là triển lãm chuyên đề về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh-nhà báo xuất sắc của thế kỷ XX, người sáng lập và rèn luyện đội ngũ người làm báo cách mạng ngay từ thời cách mạng chưa thành công.

Kể từ bài báo đầu tiên được viết năm 1919 tại Pháp, Người để lại một di sản lớn là một nền báo chí cách mạng với trên 2.000 bài báo và khoảng 200 bút danh. Phong cách, ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh thông qua các tác phẩm báo chí Người để lại luôn là một mẫu mực để các thế hệ làm báo chúng ta học tập, noi gương.

Trên cơ sở những hiện vật, tài liệu thu thập được vẫn còn khiêm tốn, Triển lãm tập trung vào 3 nội dung chính: Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam; Hoạt động báo chí của Nhà báo Hồ Chí Minh; Báo chí Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Triển đã cung cấp một cách đầy đủ những hiện vật, tài liệu chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, những tư tưởng nhân văn sâu sắc, những bài học nghề nghiệp quí giá mà nhà báo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ làm báo chúng ta. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện bộ sưu tập, hiện vật đầy đủ và thể hiện nổi bật trong Bảo tàng báo chí Việt Nam thời gian tới.

Trong hơn 200 tư liệu, triển lãm “Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam” có một số tư liệu, hiện vật quí, có giá trị lịch sử đặc biệt và một số tư liệu, hiện vật gốc có giá trị lần đầu tiên được công bố, như: Bức ảnh Bác Hồ đánh máy chữ năm 1950, có chữ ký và triện của Bác tặng cho nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn; Bài trả lời phỏng vấn 4 tờ báo của Nhật Bản, có bút tích biên tập của Bác Hồ; Một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với báo chí trong và ngoài nước. Đặc biệt là 8 bức ảnh về các cuộc tiếp xúc, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí nước ngoài hoặc hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang bìa một số báo và tạp chí nước ngoài…

Triển lãm sẽ mở cửa từ ngày 18/5 đến 21/6, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.