Bộ Tài chính tích cực thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, trong 11 tháng và tháng 11 năm 2014, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả khả quan.

Bộ Tài chính tích cực thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng cường công tác chống thất thu Ngân sách Nhà nước

Đối với việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, về công tác điều hành thu NSNN, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 11/2014 Bộ Tài chính đã tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai các giải pháp đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác chống thất thu cho ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế; phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Đối với cơ quan Thuế, trong 10 tháng đầu năm 2014 đã đôn đốc thu vào NSNN 60% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2013; đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 51.127 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2013; đồng thời kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan Thuế 1.624.700 hồ sơ. Tổng số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra (truy thu, truy hoàn, phạt...) trên 9,5 nghìn tỷ đồng, số tiền đã nộp NSNN trên 6,7 nghìn tỷ đồng.

Đối với cơ quan Hải quan, công tác xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại cũng được thực hiện kịp thời và nghiêm minh, bên cạnh đó với vai trò thường trực ban 389 của Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức chỉ đạo có hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Trong 11 tháng năm 2014 (tính đến 15/11/2014) cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 16.841 vụ so với cùng kỳ 2013, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 385,305 tỷ đồng. Riêng trong tháng 11/2014, phát hiện, bắt giữ  1.454 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4,632 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác thu hồi nợ thuế hải quan có chuyển biến tích cực; trong 11 tháng năm 2014 toàn ngành Hải quan thu hồi được nợ thuế của các tờ khai quá hạn phát sinh từ năm 2013 trở về trước là 1.743 tỷ đồng.

Về công điều hành chi ngân sách nhà nước, trong tháng 11, Bộ Tài chính tập trung quản lý chặt chẽ các khoản chi; điều hành NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi. Thực hiện giám sát, đôn đốc việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2014 tại các Bộ, ngành, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả.

Kết quả, trong 11 tháng đầu năm 2014, cơ quan Kho bạc Nhà nước đã: (i) thực hiện kiểm soát đối với gần 588.200 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, qua đó phát hiện khoảng 233.500  khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; (ii) từ chối thanh toán 59,8 tỷ đồng đối với các khoản chủ đầu tư đề nghị thanh toán sai danh mục và mức vốn được giao, phê duyệt quyết định đầu tư muộn so với thời hạn quy định sau ngày 31/10/2013...

Nỗ lực kiểm soát giá cả

Đối với nội dung tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn  triển khai thực hiện Luật giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách giá, cơ chế quản lý giá điều hành giá của Nhà nước, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin về công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Trong đó:

Đối với giá Điện: tiếp tục giữ ổn định bình quân là 1.508,85đ/kwh (từ tháng 8/2013 đến nay); đối với than bán cho sản xuất điện kiên quyết thực hiện giá thị trường từ ngày 01/8/2013 để đảm bảo bù đắp được giá thành sản xuất than.

Đối với giá mặt hàng Xăng dầu: Từ ngày 01/11/2014 thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP về điều hành xăng dầu, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì thực hiện việc điều hành giá xăng dầu. Trong tháng 11/2014 và ba tháng gần đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm giá mạnh; giá dầu xuất khẩu của Việt Nam bình quân tháng 11/2014 giảm còn khoảng 83 USD/thùng, dưới mức giá xây dựng dự toán (88 USD/thùng). Theo sát diễn biến thị trường trong tháng 11/2014 liên Bộ Công thương-Tài chính đã 02 lần (ngày 7/11/2014 và ngày 22/11/2014) yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉnh giảm giá xăng dầu phù hợp với thực tế; dẫn tới giá xăng RON92 giảm 2.690 đồng/lít, dầu diezen giảm 1.110 đồng/lít, dầu hoả giảm 1.810 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu với 27 lần điều chỉnh (10 lần điều chỉnh giảm, giữ ổn định giá 12 lần và 05 lần điều chỉnh tăng), kết hợp sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân - doanh nghiệp và Nhà nước.

 Đối với giá Sữa trẻ em dưới 6 tuổi: trong tháng 11/2014 trước thông tin báo chí phản ánh giá nguyên liệu sản xuất sữa giảm trong khi đó giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn không giảm. Bộ đã ban hành văn bản số 16467/BTC-QLG ngày 12/11/2014 triển khai 3 đoàn công tác liên ngành tại 3 Miền (Bắc, Trung, Nam) để kiểm tra, nắm bắt tình hình của các địa phương.

Đối với giá cước Vận tải: trước diễn biến từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng giảm 8 lần, giá điêzen giảm 15 lần nhưng cước vận tải là loại giá chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng không có biến động giảm tương ứng gây bức xúc trong xã hội. Trong tháng 11/2014 Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 16176/BTC-QLG ngày 6/11/2014 gửi Bộ Giao thông vận tải và các UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ chấp hành việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định.

Triển khai 3 Đoàn công tác liên ngành Tài chính - Giao thông vận tải tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để kiểm tra, nắm bắc tình hình giá cước vận tải từ 12/11/2014.

Đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân: Bộ Tài chính đã đảm bảo nguồn để chi trả đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, từ đầu năm đến nay đã xuất cấp trên 102,9 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt và hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Về thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong tháng 11/2014, Bộ Tài chính với nhiệm vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình Quốc hội thông qua Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với 423 đại biểu tán thành (chiếm 85,11%).

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu; đã sắp xếp, cổ phần hóa được 126 doanh nghiệp, trong đó: cổ phần hóa 107 doanh nghiệp, sáp nhập 12 doanh nghiệp.

Việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) cũng đạt những kết quả khả quan, với tổng vốn đầu tư đã thoái là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Nhìn chung, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.