Bộ Tài chính tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện môi trường kinh doanh

Bùi Dương

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cải thiện chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh từ 8-18 bậc

Kế hoạch hành động nêu rõ, trong năm 2018 và định hướng đến năm 2020, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, lĩnh vực tài chính cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính mà trọng tâm là:

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngành Tài chính phấn đấu đến hết năm 2018 đạt được các mục tiêu như tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Toàn Ngành phấn đấu giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xoá bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến để đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4; từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64).

Bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và theo lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, để hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh các đơn vị thuộc Bộ Tài chính triển khai các giải pháp gắn với 4 sản phẩm, cụ thể đó là:

Các đơn vị tổ chức rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh.

Đơn vị chức năng soạn thảo, trình Chính phủ nghị định sửa các nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Đối với các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án và lộ trình xây dựng để trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, các điều kiện đầu tư kinh doanh được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực hải quan đã cụ thể các nhiệm vụ thành 33 giải pháp gắn với 55 sản phẩm đầu ra. Theo đó, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành...

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực thuế có 8 giải pháp và 30 sản phẩm đầu ra. Cụ thể, sẽ tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi thể chế chính sách liên quan đến một số luật thuế; sửa đổi chế độ về in, phát hành, sử dụng hóa đơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chống gian lận thuế; phấn đấu 95% doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đạt cấp độ 4; phấn đấu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin đạt 95% doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế điện tử đạt cấp độ 4; công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế thuộc diện được được kiểm tra...

Về quản lý nợ công, tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình, chiến lược về quản lý nợ công đã được phê duyệt, đảm bảo nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP. Về quản lý tài sản công, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý tài sản công...

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường chứng khoán, bảo hiểm; đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, phát triển hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu...

Ngoài các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, quản lý nợ, bảo hiểm, trong các lĩnh vực Tài chính khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính có 14 giải pháp và 22 sản phẩm đầu ra cần tiếp tục triển khai.

Quyết liệt chỉ đạo thực hiện

Để triển khai kế hoạch có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, cụ thể hóa các nhiệm vụ thành các giải pháp, đề án, công việc, kết quả đầu ra và tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Kế hoạch của đơn vị ban hành trước 30/6/2018.

Định kỳ hàng quý (trước ngày 10 của tháng cuối quý) và năm (trước ngày 10 tháng 12) báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao gửi Văn phòng bộ để tổng hợp trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh theo đúng quy định tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ.