Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Quản lý nợ công đảm bảo an toàn và bền vững

PV.

(Tài chính) Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có báo cáo gửi Quốc hội trình bày về những kết quả Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH 13 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, quản lý nợ công là vấn đề được Quốc hội quan tâm và đã được Bộ Tài chính tích cực triển khai đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nợ công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Quản lý nợ công đảm bảo an toàn và bền vững

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại thời điểm ngày 31/12/2011, số dư nợ công bằng 54,9% GDP; dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP. Ước tính đến cuối năm 2012, số dư nợ công bằng 55,4% GDP; dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP. Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 78% (chủ yếu là phát hành trái phiếu Chính phủ và vay ODA). Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu vay theo lãi suất rất ưu đãi (vay ODA), điển hình là khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) có thời hạn 40 năm trong đó có 10 năm ân hạn, mức lãi suất 0,75% /năm khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1% /năm, các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1-2%/năm. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2011, Việt Nam đã phải sử dụng một số khoản vay từ WB theo điều kiện áp dụng cho nhóm nước trung bình thấp với thời hạn vay, ân hạn ngăn hơn nhiều so với thời hạn vay trước đây và chịu mức lãi suất cao hơn.

Căn cứ quy định tại Chiến lược nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định sô 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định rằng nợ công và nợ Chính phủ vẫn trong thời hạn an toàn (trần khống chế trong giai đoạn 2011-2020: dư nợ công không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55%GDP).

Để quản lý nợ công đảm bảo an toàn và bền vững theo quy định của Luật quản lý nợ công, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công, trong năm 2011 và từ đầu 2012 đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp quan trọng, như:

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ (vay nợ chính phủ); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 về đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi nước ngoài, góp phần quản lý sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi nước ngoài, góp phần quản lý sử dụng vốn vay để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo hiệu quả.

Bộ Tài chính đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư; cơ cấu lại chi NSNN và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn NSNN, nhất là các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ, kể cả các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có ràng buộc từ nhà tài trợ; đảm bảo mức trần các chỉ tiêu về nợ đã quy định tại Quyết định số 958/QD-TTg.

Về công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Để giảm bớt chi phí (lãi suất vay nợ) của Chính phủ cũng như DN, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ký kết cá thỏa thuận hợp tác trao đổi với một số đối tác của Vương quốc Anh có kinh nghiệm trong việc tư vấn và hỗ trợ Việt Nam về xếp hạng tín nhiệm quốc gia; nghiên cứu , hoàn thiện và đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia; xây dựng các Nghị định Chính phủ về thành lập và hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế về thu nhập thông tin và đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ vào Quý IV năm 2012; phối hợp chặt chẽ với các Bộ,ngành trong việc tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Standard&Poors, Moody’s và Fitch).

Việc trả nợ đã được thực hiện đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn. Huy động nguồn vốn vay phù hợp với tiến độ giải ngân. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị sử dụng vốn vay, theo dõi chặt chẽ khả năng trả nợ của từng dự án đầu tư, từng DN. Tổ chức thanh tra các dự án vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh gặp có dấu hiệu khó khăn để kiến nghị các giải giải pháp xử lý phù hợp (Trong nửa đầu năm 2012, Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra 17 dự án xi măng vay vốn trong và ngoài nước được Chính phủ bảo lãnh, bão cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tại Báo cáo số 52/BC-BTC ngày 29/6/2012, trong đó cũng nêu các đề xuất và kiến nghị riêng đối với lĩnh vực đầu tư xi măng, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ chủ quan, các chủ đầu tư trong việc đầu tư). Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 8540/BTC-QLN ngày 26/6/2012 báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng hợp tình hình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, trong đó đề xuất, kiến nghị cụ theerr đối với việc định hướng cơ chế, chính sách bảo lãnh của Chính phủ, trách nhiệm của Người cấp bảo lãnh là Bộ Tài chính, trách nhiệm đối với các cơ quan chủ quản và chủ đầu tư; Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các kiến nghị của Bộ Tài chính tại báo cáo nêu trên tại công văn số 6936/VPCP-KTTH ngày 05/9/2012 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 51/TTr-BTC ngày 15/02/2012) về đề án tái cấu trúc một số khoản nợ trái phiếu quốc tế và đã được phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 11/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ, hạn mức bảo lãnh Chính phủ và vay thương mại nước ngoài của quốc gia năm 2012, đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ quy chế quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công (Tờ trình số 55/TTr ngày 8/6/2012).

Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát chính sách, chế độ hiện hành về quản lý bảo lãnh của Chính phủ theo hướng tăng cường chế tài xử lý vi phạm và trách nhiệm của người được bảo lãnh, cơ chế quản lý tài sản bảo đảm trong các chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin đối với người được bảo lãnh. Việc cấp bảo lãnh chính phủ phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 44/2011/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ. Trước mắt chưa xem xét bảo lãnh trái phiếu phát hành quốc tế. Các DN hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ. Biện pháp này dự kiến được áp dụng trong giai đoạn 2012 – 2014.

Đối với nợ chính quyền địa phương: Các địa phương thực hiện huy động vốn đầu tư theo đúng quy định của Luật NSN và Luật Quản lý nợ công. Chủ động đầu tư theo kế hoạch đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; bố trí vốn hoàn trả đúng cam kết, không để phát sinh nợ quá hạn; tập trung nguồn vốn đầu tư cho những công trình trọng điểm, cấp bách, có hiệu quả. Tổ chức theo dõi, tổng hợp kịp thời thông tin về thực trạng dự nợ, phân tích, dự báo và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để phát sinh các nghĩa vụ nợ dự phòng. Bộ Tài chính đã yêu cầu thống kê, báo cáo nợ đọng xây dựng cơ bản của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này trong cả nước.