Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tạo đột phá trong thực hiện NSW và tạo thuận lợi thương mại

PV (T/h)

Nhân dịp Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Giải pháp thúc đẩy phát triển Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại đã dành thời gian trao đổi với báo chí ngành Tài chính xoay quanh các nội dung của chủ đề quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban  Ủy ban chỉ đạo quốc gia ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại.

Thưa Bộ trưởng, với vai trò là Phó Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia, xin Bộ trưởng đánh giá khái quát về kết quả thực hiện ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại thời gian vừa qua?

Những năm qua, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính với vai trò được Chính phủ giao là đơn vị chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai NSW, ASW và cải cách công tác quản lý chuyên ngành, thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh nhằm tạo thuận lợi thương mại.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban chỉ đạo quốc gia, nỗ lực của các bộ, ngành, việc triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tính đến hết tháng 4/2018, đã có 47 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành được kết nối NSW (chưa tính thủ tục trong lĩnh vực của Bộ Tài chính) với hơn 1,1 triệu hồ sơ của gần 21.000 DN.

Từ 1/1/2018, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đầu tiên trong khu vực thực hiện chính thức ASW cùng với Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Đến ngày 20/4, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 22.029 C/O; tổng số C/O Việt Nam gửi tới 4 nước là 11.112 C/O.

Bên cạnh đó, lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung 79 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành (đạt tỷ lệ 91%); các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm danh mục hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành, tương ứng với gần 4.000 dòng hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với thời điểm tháng 11/2015; đồng thời tiến hành đổi mới thủ tục, phương thức kiểm tra... đáp ứng được những mục tiêu nhất định tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.

Thưa Bộ trưởng, kết quả nêu trên có tác động như thế nào trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Như đề cập ở trên, kết quả thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại đã góp phần làm chuyển biến công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, góp phần giảm thời gian thông quan.

Đặc biệt, không chỉ người dân, cộng đồng DN trong nước mà các tổ chức uy tín của quốc tế cũng đánh giá cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ; hàng nhập khẩu giảm 6 giờ; chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu...

Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của WB, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016-2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong nhóm 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu khu vực ASEAN.

Không thể phủ nhận nỗ lực của các bộ, ngành, nhưng khách quan nhìn nhận công tác này vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập. Với vai trò Phó Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia, theo Bộ trưởng, đâu là những điểm nghẽn cần tháo gỡ?

So với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi của cộng đồng DN và mục tiêu do Chính phủ đặt ra, việc thực hiện các Cơ chế một cửa và giải pháp tạo thuận lợi thương mại còn không ít tồn tại.

Đó là, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hành chính còn thấp. Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan bộ, ngành trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu; hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý.

Mặt khác, DN cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính chưa kết nối đầy đủ với các cơ quan thuộc Chính phủ để đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như tạo tiện ích để rút ngắn thời gian vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, sân bay quốc tế, kho bãi; thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới..., qua đó rút ngắn thời gian thông quan tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tiến độ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK còn rất chậm. Vẫn còn tồn 8/87 văn bản chưa hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg. Ngoài ra, số lượng Danh mục phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn rất lớn như đề cập ở trên...

Đặc biệt, đến nay còn tới 24 nhóm hàng chưa được các bộ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường còn 18 nhóm hàng; Bộ Y tế còn 4 nhóm hàng; Bộ Công Thương còn 1 nhóm hàng;  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn 1 nhóm hàng.

Đối với Danh mục hàng hóa XNK phải ban hành mã số HS còn 26 danh mục chưa được các bộ thực hiện, trong đó Bộ Công Thương còn 12 danh mục; Bộ Y tế còn 7 danh mục và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn 3 danh mục; Bộ Xây dựng 2 danh mục; Bộ Công an và Bộ Tài nguyên và Môi trường mỗi bộ còn 1 danh mục.

Để tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong triển khai ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, đâu là mục tiêu, giải pháp có tính đột phá trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Trước đòi hỏi cấp bách của cộng đồng DN và yêu cầu của Chính phủ trong tạo chuyển biến đột phá trong thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020.

Mục tiêu quan trọng đặt ra trong thời gian tới là tất cả thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện qua NSW dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Việt Nam sẽ tham gia và triển khai đầy đủ ASW theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN.

Toàn bộ cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động XNK, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải phải được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK được thực hiện theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đối với các mặt hàng khác, việc kiểm tra về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy chuyển sang hậu kiểm hoặc dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ của DN, mức độ rủi ro của hàng hóa theo từng thời kỳ và phải dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể. Trường hợp không thể ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải có phương pháp kiểm tra công khai, minh bạch…

Dự thảo cũng đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng năm, đặc biệt phải tiếp tục nỗ lực để giữ vị trí ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa.

Đồng thời các giải pháp mang tính đột phá để hiện thực hóa các mục tiêu trên sẽ được xác định cụ thể và triển khai mạnh mẽ ngay sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 được ban hành.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!