Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 13

PV.

(Tài chính) Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ về nhiệm vụ thực hiện các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 13/NQ - CP, ngày 10/5/2012 của Chính phủ. Đến thời điểm này, nhóm giải pháp tài chính nói trên đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, trong những tháng đầu năm, ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp tài chính - ngân sách chặt chẽ, đồng bộ, có hiệu quả. Các giải pháp nói trên đều tập trung vào nhiệm vụ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý. Nhờ đó, các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế đã về mức cân bằng hơn, lạm phát, nhập siêu được kiểm soát, công tác điều hành giá cả được kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nhất quán, nhịp nhàng.

Tuy nhiên, do tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau nên kết thúc quý I/2012, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đây là cơ sở để ngày 10/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/ NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, trong đó trọng tâm là nhóm giải pháp tài chính.

Ngay sau khi Nghị quyết 13/ NQ-CP ra đời, ngành Tài chính đã tập trung triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ các chính sách ưu đãi thuế nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết. Ngày 23/05/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83/2012/TT-BTC, hướng dẫn và yêu cầu Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, Sở Tài chính và các chi Cục thuế địa phương thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 13/NQ-CP.  Đồng thời, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã trình Quốc hội và được Quốc hội chấp thuận ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân; trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2012/NĐ-CP ngày 30/7/2012, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nói trên.

Tính đến nay, sau gần bốn tháng thực hiện, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ của Nghị quyết 13/NQ - CP đặt ra. Cụ thể, đến hết tháng 9/2012, Bộ Tài chính đã thực hiện gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng các tháng  4, 5 và 6/2012  cho 190.280 doanh nghiệp; giải quyết gia hạn 2.933 tỷ đồng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho 71.630 doanh nghiệp; giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho 2.425 doanh nghiệp, với số tiền giảm là 250,3 tỷ đồng; giải quyết miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức các tuần lễ đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe doanh nghiệp, từ đó tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật về thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính thuế,… tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đến thời điểm này đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Có thể khẳng định, các giải pháp giãn, giảm thuế đã góp phần giúp doanh nghiệp tăng cường tiềm lực tài chính, khôi phục sản xuất, phát triển thị trường. Điều này thể hiện ở lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp đã liên tục giảm trong những tháng gần đây. Qua công tác quản lý thuế cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Cụ thể,  chỉ trong tháng 6 và tháng 7/2012 đã có hơn 2.000 doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh hồi đầu năm hoạt động trở lại. Doanh số kê khai thuế giá trị gia tăng trong những tháng gần đây tăng lên là tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Với các giải pháp tài chính - ngân sách khác theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ – CP của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiện cũng đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép nâng mức tạm ứng thanh toán vốn cho các dự án đầu tư thuộc kế hoạch trong quý III/2012 và cho phép ứng trước kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2013, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013-2015,  ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về việc quản lý thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2012. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện tốt công tác kiểm soát chi đầu tư theo đúng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Tổ chức Hội nghị tọa đàm với các chủ đầu tư bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư; đồng thời, tổ chức Hội nghị triển khai và thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về công tác quản lý vốn đầu tư năm 2012. Sau khi triển khai các giải pháp nêu trên, tình hình giải ngân vốn từ tháng 7/2012 đã có chuyển biến tích cực hơn.

Việc phân bổ 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn cũng đã được Bộ Tài chính hoàn thành. Bên cạnh đó Bộ đã tổ chức hướng dẫn thực hiện mua sắm đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và đã được chuyển sang năm 2012; Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn triển khai và hoàn thành một số nội dung  khác theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ như: trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán năm 2012 cho Bộ Công Thương 50 tỷ đồng để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; tiếp tục đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ, tổ chức ngòai nước để huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần bổ sung vốn cho các dự án cấp thoát nước, biến đổi khí hậu, dạy nghề, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm...

Tiếp tục thực hiện tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-CP, ngày 22/10/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 175/2012/TT-BTC hướng dẫn về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2012 thêm 3 tháng nữa. Đây là Thông tư cụ thể hoá Nghị quyết số 67/NQ-CP của Chính phủ và như vậy doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2012 đến tháng 4/2013. Dự tính, số tiền thuế giá trị gia tăng tháng 6/2012 của doanh nghiệp được hưởng gia hạn thêm lên đến trên 3.745 tỷ đồng.
 
Đến thời điểm này, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 13/NQ-CP và đây thực sự là “liều thuốc” hữu ích hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giúp cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh để phát triển ngày càng vững mạnh.