Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhà nước

PV

(Tài chính) Báo cáo kết quả thực hiện của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết số 21/2011/QH 13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã làm rõ những kết quả đã đạt được của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát DNNN.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý vốn, tài sản đối với khu vực DNNN trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực nghiên cứu, xây dựng nhiều Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong việc quản lý vốn và tài sản nhà nước đồng thời giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN. Những kết quả quan trọng đã đạt được cụ thể trên các mặt công tác như sau:

Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án này. Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể theo Quyết định số 2015/QĐ-BTC ngày 13/8/2012 và tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (công văn số 10800/BTC-TCDN ngày 10/8/2012). Đến ngày 9/10/2012, đã có 56 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu; trong dó 26 Tập doàn, Tổng công ty đã được các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đề án tái cơ cấu.

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan của Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đỗi với công ty nhà nước, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong công tác quản lý, giám sát DNNN. Đến hết 24/5/2012, đã hoàn chỉnh trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (i) Nghị định về Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu; (ii) Nghị định Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; (iii) Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt dộng đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Các văn bản này sẽ được ban hành khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước.

Bộ Tài chính đã tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp trên cơ sở tổ chức lại Cục Tài chính doanh nghiệp thược Bộ Tài chính để tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước chuyên sâu, ổn định về chuyên ngành tài chính doanh nghiệp (đặc bietetj là quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thực hiện quyền chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ và giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu tại DNNN của các Bộ ngành, UBND trên địa bàn cả nước).

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2013 để Chính phủ xem xét trình Ủy ban TVQH trong tháng 9/2013. Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp với các cơ quan (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước) xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, tình hình chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến giữa năm 2012, Bộ Tài chính đã tiền hành thanh tra, Kiểm tra chuyên đề 119 lượt doanh nghiệp. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính đã phát hiện, kiến nghị xử lý 652.792 triệu đồng, trong đó kiến nghị nộp NSNN 546.175 triệu đồng, giảm quyết toán 2841 triệu đồng, xử lý khác 7.035 triệu đồng./.