Cải cách Cơ sở Hạ tầng Tài chính trong năm APEC 2017

PV.

Ngày 12/7/2017, tại Hội An - Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị lần thứ 4 “Mạng lưới Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính” (FIDN) với chủ đề “Cải cách cơ sở hạ tầng tài chính”.

Hội nghị này là một trong hai hoạt động chính thức nằm trong khuôn khổ hợp tác tài chính – ngân hàng APEC năm 2017, do NHNN đăng cai chủ trì, bên cạnh Diễn đàn Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 7 về Tài chính Toàn diện đã được tổ chức thành công từ ngày 10 – 11/7/2017.

Diễn đàn FIDN được chính thức hình thành vào tháng 11/2015 như một bộ phân cấu thành của Diễn đàn Tài chính APEC trong khuôn khổ Chương trình Hành động Cebu (CAP).

Các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thống nhất rằng: Sáng kiến FIDN là cần thiết, có thể giúp phát triển hệ thống thông tin tín dụng hiệu quả, giúp tăng cường chất lượng của các giao dịch bảo đảm và khuôn khổ xử lý hoạt động liên quan đến phá sản.

Sáng kiến FIDN hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng các động sản như các tài sản thể chấp trên các thị trường tín dụng. FIDN cũng là một sáng kiến trong khuôn khổ các hoạt động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực APEC.

Hội nghị FIDN lần này đã tập trung thảo luận, cập nhật tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng tài chính trong khu vực APEC; các thách thức phải xử lý khi tiến hành cải cách pháp lý liên quan đến giao dịch bảo đảm; các khó khăn mà cơ quan tư pháp gặp phải và các vấn đề lien quan tới định giá tài sản bảo đảm.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã định hướng các đại biểu tập trung thảo luận chuyên sâu về các nội dung Hội nghị đặt ra, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xử lý thách thức liên quan đến cải cách pháp lý về giao dịch bảo đảm và việc triển khai dịch vụ định giá để từ đó có những biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy tiến trình cải cách cơ sở hạ tầng tài chính.

Sự tham gia của cơ quan tư pháp trong quá trình cải cách pháp lý điều chỉnh các giao dịch bảo đảm được các đại biểu đặc biệt chú ý tại Hội nghị lần này.

Đối với nội dung này, các đại diện của Việt Nam đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao và các đại diện đến từ Bộ Tư pháp Philipin, Hongkong, Mông Cổ đã tích cực chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ góc nhìn của cán bộ tư pháp, những người trực tiếp thực hiện các công việc hàng ngày liên quan tới giao dịch bảo đảm, thông tin tín dụng...

Các ý kiến của đại diện cơ quan tư pháp đã nhận được các phản hồi đa chiều từ góc nhìn của các học giả nghiên cứu về luật pháp đến từ Trường Luật thuộc Đại học Idianna, - Hoa Kỳ, từ các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia thuộc khu vực công và tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế, các hiệp hội và doanh nghiệp...

Đối với Việt Nam, Hội nghị FIDN lần này là cơ hội quý báu để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong bối cảnh Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách, không chỉ trong lĩnh vực tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng mà còn cả trong cải cách cơ sở hạ tầng tài chính nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển và bắt kịp xu hướng phát triển của quốc tế trong tương lai.