Cải cách quản lý nợ đảm bảo an toàn nợ công

BD

Từ ngày 8 đến 9/11, tại Quảng Ninh, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Xây dựng khung cải cách về quản lý nợ công và quản lý rủi ro, quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025".

Ông Trương Hùng Long phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trương Hùng Long phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Marcel Reymond, Trưởng đại diện SECO tại Việt Nam; nhóm chuyên gia của WB, cùng đại diện từ các nhà tài trợ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại diện của Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị trong Bộ Tài chính.

Cấp thiết xây dựng khung cải cách quản lý nợ

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 và có hiệu lực từ tháng 7/2018. Hệ thống 7 nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công 2017 cũng đã được Chính phủ ban hành.

Trong khuôn khổ pháp lý mới đặt ra yêu cầu quản lý nợ một cách chủ động, đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển nhưng vẫn đảm bảo an toàn bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia. Ông Trương Hùng Long cũng cho biết, công tác quản lý nợ công có nhiều thay đổi, bao gồm: Đầu mối cơ quan quản lý nợ mặc dù đã có bước cải thiện xong vẫn còn phân tán;  Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn IDA (của WB) và sắp tới tốt nghiệp nguồn ADF (của ADB) nên việc huy động vốn sẽ phải tiếp cận dần với điều kiện thị trường; Nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì các chỉ số nợ vẫn còn cao, vẫn cần tiếp tục vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách, quản lý danh mục nợ cũng trở nên phức tạp hơn.

“Do những thay đổi nêu trên, Bộ Tài chính nhận thấy cần thiết phải có những cải cách trong công tác quản lý nợ” - ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ quản lý nợ chính phủ và quản lý rủi ro do SECO tài trợ, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Nhóm chuyên gia của WB xây dựng Khung cải cách về quản lý nợ công nhằm đạt được mục tiêu chung, dài hạn là: Chuẩn hóa các quy trình quản lý nợ theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch; hiện đại hóa công tác quản lý nợ thông qua áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào các công đoạn nhằm đảm bảo tính chính xác, kịp thời, thuận lợi trong công tác quản lý; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nợ thông qua hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý; hướng tới mô hình cơ quan quản lý nợ chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt.

Theo ông Trương Hùng Long, trước mắt cần đạt các mục tiêu cụ thể, như: Rà soát các chính sách về quản lý nợ công và các chính sách liên quan để có đánh giá toàn diện về khuôn khổ pháp lý quản lý nợ công cũng như đảm bảo sự đồng bộ giữa quản lý nợ với quản lý ngân sách và đầu tư công.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Cùng với đó, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ gồm các trần, ngưỡng an toàn nợ; kiểm soát rủi ro đối với danh mục nợ công; đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025; áp dụng các mô hình phân tích bền vững nợ DSA, mô hình xây dựng Chương trình quản lý nợ trung hạn MTDS nhằm quản lý nợ, quản lý rủi ro một cách chủ động.

Đồng thời, đảm bảo huy động hợp lý các nguồn lực bù đắp thâm hụt ngân sách trong khi duy trì các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn Quốc hội cho phép; cải thiện công tác huy động vốn thông qua việc đa dạng hóa các hình thức huy động vốn trong nước của Chính phủ, mở rộng, tiếp cận các hình thức huy động vốn nước ngoài, thay thế dần cho nguồn vốn ODA.

Cân đối giữa vốn vay trong nước và vốn vay nước ngoài nhằm đạt được cơ cấu danh mục nợ công hợp lý; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát chặt chẽ sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn để tạo nguồn trả nợ trong tương lai, gắn trách nhiệm sử dụng vốn vay nợ công với trách nhiệm giải trình; công khai minh bạch về nợ công.

Bộ Tài chính nhận thấy, cần phải có những cải cách trong công tác quản lý nợ, nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong Luật Quản lý nợ công mới, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo huy động hợp lý các nguồn lực bù đắp thâm hụt ngân sách.

"Với mục tiêu như vậy, khung ma trận về cải cách công tác quản lý nợ công sẽ là một ma trận tổng thể nhưng bao gồm các hoạt động rất cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng', ông Long khẳng định.

Đồng thuận xây dựng lộ trình cải cách quản lý nợ

Chia sẻ tại hội thảo, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, Luật Quản lý nợ công 2017 ra đời là một thành công rất đáng kể. "Chúng tôi tin tưởng rằng luật này tạo nền tảng vững chắc, đặt ra những nguyên tắc quan trọng trong quản lý nợ công", ông Sebastian Eckardt nói.

Ông Sebastian Eckardt cũng bày tỏ sự vui mừng khi được tham gia xây dựng lộ trình cải cách công tác quản lý nợ công để xác định những ưu tiên quan trọng, định hướng chiến lược và hành động cụ thể để đưa các quy định trong luật trở nên thực tế.

"Tôi nghĩ rằng lộ trình này là công cụ hỗ trợ rất nhiều cơ quan, đối tác nước ngoài, giúp Bộ Tài chính Việt Nam khai thác sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Đồng thời, chúng tôi cũng tận dụng khung lộ trình này để tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể", ông Sebastian Eckardt phát biểu. 

Còn ông Marcel Reymond, Trưởng đại diện SECO tại Việt Nam bày tỏ: "SECO muốn hỗ trợ các bạn có một kế hoạch mới, bản vẽ mới để có nền móng tốt cho ngôi nhà mới", và "khi thấy được kết quả chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ dự án".

Tại hội thảo, các bên sẽ thống nhất lộ trình triển khai tiếp theo với 5 nhóm vấn đề chính, gồm: Nhóm quản trị (khung pháp lý, cơ cấu tổ chức đơn vị quản lý nợ); nhóm năng lực và quản lý hoạt động (quy trình hoạt động, nghiệp vụ quản lý); nhóm quản lý rủi ro (kế hoạch quản lý nợ 5 năm, 3 năm, hàng năm; quản lý các loại rủi ro đối với danh mục nợ); nhóm về các hoạt động vay nợ và phát triển thị trường; nhóm về minh bạch thông tin nợ công; nhóm về quản lý nghĩa vụ nợ dự phòng và các hoạt động khác liên quan đến nợ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về việc xây dựng kế hoạch nợ trung hạn 3 năm,  5 năm theo đúng Luật Quản lý nợ công 2017 và Luật Ngân sách nhà nước để phù hợp với kế hoạch tài chính trung hạn, quản lý nợ công trung hạn.